Nam Định: Nông dân Hải Hậu biến rác hữu cơ thành phân bón, tưới cây ăn trái, rau màu lên xanh tốt

T. Nam - L. Hồng Thứ tư, ngày 15/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm qua các cấp Hội Nông dân ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hưởng ứng, tham gia phong trào “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”. Bước đầu, đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Bình luận 0
Nam Định: Nông dân Hải Hậu biến rác hữu cơ thành phân bón, tưới cây ăn trái, rau màu lên xanh tốt - Ảnh 1.

 

Mô hình điểm "ghi điểm"

Năm 2018, triển khai mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình", Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã chọn xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) là địa phương làm xã điểm, với 212 hộ tham gia mô hình.

Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 thùng phuy nhựa ủ rác hữu cơ có dung tích chứa gần 220 lít. Sau khi được tập huấn quy trình ủ rác hữu cơ thành phân bón, 100% các hộ tham gia mô hình đều bắt tay vào thực hiện.

Qua gần 2 tháng thử nghiệm ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã cho hiệu quả cao. Sản phẩm đầu ra là phân hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm 1 phần kinh phí, vừa giảm 1 lượng lớn rác thải phải thu gom, vận chuyển và sức chứa của nơi tập trung rác thải.

Chị Nguyễn Thanh Dáng, hội viên nông dân xóm B, xã Hải Lý chia sẻ, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, gia đình chị đã thực hành và kết quả mang lại rất tốt.

Nam Định: Hội Nông dân huyện Hải Hậu cầm tay chỉ việc, giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn - Ảnh 1.

Nông dân xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tích cực tham gia mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình"

Theo đó, chị gom hết rác thải hữu cơ sinh hoạt hàng ngày như vỏ trái cây, thức ăn thừa, rau, củ, quả... cho vào thùng. Khi rác dày khoảng 30cm, chị pha tỷ lệ men vi sinh phù hợp với nước và phun đều trên bề mặt để ủ thành phân bón.

"Từ khi thực hiện mô hình này, gia đình tôi đã thay đổi thói quen vứt rác thải sinh hoạt ra vườn nên đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho gia đình.

Toàn bộ phân bón hữu cơ thu được, gia đình bón cho vườn cây ăn trái, rau xanh, nhờ đó vườn cây ít bị sâu bệnh phá hoại, tươi tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng phân hữu cơ được, gia đình tôi tiết kiệm được 1 khoản chi phí mua phân bón hóa học...", chị Dáng tâm sự.

Từ kết quả mô hình được triển khai tại xã Hải Lý, Hội Nông dân huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình tới toàn thể cán bộ, hội viên, nhân dân trên toàn huyện, với tinh thần lấy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên làm tiên phong thực hiện.

Mặc dù không phải là xã điểm triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng nhờ sự truyên truyền, vận động có hiệu quả, sự hỗ trợ kịp thời nên người dân xã Hải Phú (huyện Hải Hậu) đã hưởng ứng tích cực.

Hiện nay, 17/17 xóm ở xã Hải Phú triển khai, thực hiện mô hình. Tổng số hộ thực hiện là khoảng 2.000 hộ. Trong đó, số hộ sử dụng hình thức hố xử lý rác hữu cơ có nắp đậy là 900 hộ. Ngoài ra, mỗi gia đình còn có 2 thùng rác chứa rác hữu cơ và vô cơ riêng biệt, với tổng số cả xã đạt trên 2.000 thùng.

Theo ông Trần Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Hải Phú, với khoảng 3.000 hộ với trên 10.000 nhân khẩu, trung bình mỗi tháng Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường xã thu gom gần 170 tấn rác các loại.

Do việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình được thực hiện tốt, nên đã giảm tải lượng rác thải hữu cơ rất lớn về khu xử lý rác; đảm bảo tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã đạt trên 90%.

"Mô hình đã thay đổi môi trường tại địa phương. Cảnh quan môi trường nông thôn thường xuyên xanh, sạch, đẹp. Các khu công cộng, đường giao thông, kênh mương không có rác thải. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu", ông Đáng nói.

Nhân rộng mô hình

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu cho hay, những năm qua nhiều mô hình bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện Hải Hậu chú trọng triển khai trên địa bàn, do đó các mô hình, phong trào đã phát huy được hiệu quả.

Từng bước được nhân rộng, không chỉ tại các đơn vị trong huyện mà còn là mô hình điểm để nhân rộng ra các đơn vị khác của tỉnh.

Theo bà Hoa, để các mô hình nhân rộng đạt hiệu quả, các cấp Hội trong huyện đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau về hiệu quả mà mô hình đem lại như tổ chức các buổi tham quan học tập tại các đơn vị làm tốt.

Nam Định: Hội Nông dân huyện Hải Hậu cầm tay chỉ việc, giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn - Ảnh 2.

Phong trào "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" từng bước được nhân rộng, không chỉ ở trong huyện Hải Hậu mà còn ở các huyện khác trong tỉnh Nam Định.

Thường xuyên chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thùng và hướng dẫn bà con sử dụng men vi sinh như Emic, Sumitri trong quá trình ủ rác.

Bên cạnh đó, hướng dẫn Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập "Tổ quản lý" để hướng dẫn kỹ thuật xử lý và phân loại rác thải tới hội viên, nông dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện mô hình.

"Song song với xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ, Hội Nông dân huyện Hải Hậu còn triển khai xử lý rác thải hữu cơ bằng hố chôn lấp rác thải. Từ đơn vị xã Hải Lý, sau hơn 2 năm triển khai mô hình, đến nay 100% Hội Nông dân các cấp trong huyện Hải Hậu đã triển khai thực hiện", bà Hoa thông tin thêm.

Bà Hoa cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình", nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo.

Điển hình như: xã Hải Bắc đã tự chế ra nắp đậy bằng tấm bê tông cốt thép có kích thước 80cm x 80cm, có cửa bỏ rác 35cm x 35cm; nắp đậy đảm bảo kín không có mùi hôi phát tán; giá thành nắp đậy chỉ bằng một nửa giá thành của nắp đậy bằng vật liệu composite. Hoặc, xã Hải Trung làm nắp bằng tôn mạ khung sắt hộp có độ bền cao, chi phí thấp…

Bà Hoa nhấn mạnh: Có thể nói, hiệu quả từ mô hình đem lại thiết thực, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư ở Hải Hậu.

Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Hải Hậu và trở thành phong trào sâu rộng trong các hộ gia đình hội viên nông dân; với tổng số 1.552 thùng, trên 1.000 hố có nắp đậy xử lý bằng men vi sinh và trên 14.500 hố rác tại các hộ gia đình xử lý, tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

"Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo nhân rộng mô hình tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Đây là việc làm cụ thể của Hội được các cấp, ngành đánh giá cao, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, sạch đẹp", bà Hoa bộc bạch.

Với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, huyện Hải Hậu đang từng bước tăng cường hiệu quả xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM kiểu mẫu "Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững".

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem