Nam Định: Vùng đất dân đem ong vào vườn Quốc gia thả, làm ra thứ "mật của biển" rất lạ miệng, lãi hàng trăm triệu

Thứ hai, ngày 05/10/2020 19:07 PM (GMT+7)
Khi vào mùa hoa sú, vẹt hương thơm tỏa bay ngào ngạt là dịp những người thợ nuôi ong lại tất bật với công việc. Tận dụng thời cơ, nhiều hộ dân đã phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tại vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Bình luận 0

Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có tổng diện tích 14.500ha, trong đó hơn 7.100ha là vùng lõi và hơn 7.300ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải, là khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo, được bao quanh bởi những cánh rừng sú, vẹt...

Nam Định: Vùng đất dân đem ong vào vườn Quốc gia thả, làm ra thứ :"mật của biển" rất lạ miệng, lãi hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Anh Phạm Quang Hưng, xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) kiểm tra và chăm sóc đàn ong mật của gia đình.

Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, cánh rừng ngập mặn xanh mướt trải dài hàng chục km ở cửa sông Ba Lạt, hàng triệu cây sú, vẹt đua nhau khoe sắc và tỏa hương khắp một vùng. Đây được xem là cơ hội lý tưởng duy nhất trong năm để đàn ong ra hút mật trong môi trường tự nhiên. 

Là một trong những người có “thâm niên” trong mô hình nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng sau gần 20 năm lao động miệt mài, cùng với niềm đam mê nghề nuôi ong mật đến nay, anh Phạm Quang Hưng, xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã có trong tay 750 đàn ong mật, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn nên sau khi học hết THCS, anh Hưng ở nhà lao động, phụ giúp gia đình. Anh đã không quản ngại khó khăn làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Thấy người dân trong vùng nuôi ong mật, anh Hưng đã xin vào làm việc rồi tìm hiểu về quá trình chăm sóc, dần dần cảm thấy yêu thích và có ý định gắn bó lâu dài với công việc này. 

Năm 2003, anh đã mạnh dạn đầu tư mua gần 30 đàn ong của các hộ dân trong vùng về nuôi. Thời gian đầu, do chưa nắm chắc được kỹ thuật nuôi ong, anh Hưng gặp không ít khó khăn khi đàn ong cho sản lượng mật thấp và thường xuyên bị bệnh. 

Anh đã dành thời gian đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm nuôi ong mật. Theo đó, để đàn ong cho mật quanh năm, anh Hưng liên tục di chuyển đàn ong của mình đến tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, thậm chí đến cả tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… để lấy mật các loài hoa đặc trưng của từng địa phương. 

Cả năm rong ruổi đưa đàn ong đi khắp nơi để tìm mật, khi đến mùa sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy nở hoa, anh Hưng lại đưa bầy ong mật về “an cư” trong môi trường phát triển lý tưởng trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Mùa hoa sú, vẹt năm nay, anh Hưng đặt những thùng ong tại con trạch rộng ngay trong vùng lõi Vườn quốc gia để ong lấy mật hiệu quả nhất. 

Theo anh Hưng, sú, vẹt là loại cây mọc ở ven biển, hoa sú, vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch, thơm, mật ong hoa sú, vẹt còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. 

Dựa vào lợi thế rừng ngập mặn ven biển có sẵn, người nuôi ong không phải tốn chi phí trồng cây, tạo hoa để ong có thức ăn. Bên cạnh đó, một năm rừng ngập mặn chỉ nở hoa một lần nên hương vị và màu sắc của mật ong ở đây luôn có sự độc đáo, thơm ngon mà hiếm nơi nào có được. 

Với thảm thực vật đa dạng, với nhiều loài cây nở hoa, vì vậy việc nuôi ong ven rừng ngập mặn luôn cho chất lượng mật tự nhiên. 

Hiện với 750 đàn ong, mỗi vụ hoa sú, anh thu được 8.000 lít mật, mùa hoa vẹt anh thu được 20 nghìn lít mật. Toàn bộ số mật này đều được các thương lái, doanh nghiệp đến tận nơi thu mua. Với giá bán dao động từ 60-80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, anh Hưng lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Hưng cho biết, nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được vì nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó. Nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời”, do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp. 

Tuy vậy, yếu tố quyết định đến hiệu quả là phải nắm bắt được diễn biến sức khỏe của từng đàn ong do ong là loài vật rất nhạy cảm với thời tiết, dễ nhiễm bệnh. Công việc hàng ngày của anh là thường xuyên đảo cầu để mật lên đều, kiểm tra từng thùng ong xem ong có khỏe mạnh, lấy đủ lượng phấn hoa cần thiết hay không. 

Khi ong chúa đẻ mạnh, số lượng ong trong đàn đông đúc, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên. Trong trường hợp này, cần cho đàn ong xây thêm cầu mới để ong chúa có nơi đẻ trứng, tổ không chật chội, cắt bỏ bớt lỗ tổ ong đực ở các góc bánh tổ; thay thế ong chúa, bổ sung nguồn thức ăn cho đàn ong. 

Mỗi năm, vào tầm tháng 1-3, anh Hưng thường đưa đàn ong về quê để chăm sóc vì thời tiết thuận lợi cho đàn ong nhân giống. Còn tháng 3-4, anh lại di chuyển đàn ong đến các vùng có nhiều hoa nhãn để khai thác mật nhãn, từ tháng 5-8, thì tập trung cho ong lấy mật hoa sú, vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tháng 9-10 di chuyển đàn ong vào các tỉnh miền Trung để khai thác hoa keo…

Vào mùa đông giá rét thì anh Hưng chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung đúng quy trình để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường, như: bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi...

Dù đã trở thành một thợ ong lành nghề, hàng ngày anh vẫn miệt mài tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật mới trong nghề trên internet, sách báo và từ cả những mô hình đi trước để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mật ong rừng sú, vẹt thường được người dân ví là “mật của biển”, là thức uống bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường ruột, suy nhược cơ thể, giảm mỏi mệt. Nguồn thức ăn tại đây hoàn toàn tự nhiên nên mật ong sú vẹt rất an toàn, được thị trường ưa chuộng. 

Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, cuộc sống các hộ dân ở nơi đây đã khá giả hơn trước. Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở Vườn quốc gia Xuân Thủy còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển.

Đến hết hè, khi mà những cánh rừng ngập mặn không còn đơm hoa, các hộ gia đình nuôi ong lại í ới nhau chở ong đi nuôi tại các tỉnh lân cận khác và rồi họ lại đau đáu mong chờ mùa hoa sú, vẹt nở vào năm sau./.

Văn Huỳnh (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem