Năm mới với ngôn ngữ của mùa xuân "bình thường mới"

Nhật Lệ Thứ bảy, ngày 01/01/2022 14:20 PM (GMT+7)
Lắng nghe bài hát "Làn gió đổi thay" (Wind of change) của Ban nhạc Scorpions từ cách đây hơn 30 năm, nhiều người nhận ra cho đến nay, bài hát vẫn còn nhiều ứng nghiệm trong thời Covid.
Bình luận 0

Sự thay đổi ở từng con phố với làn gió mới - như trong lời bài hát - cũng đã thực sự ở lại trên đường phố TP.HCM hôm nay, khi bài ca "kẽm gai" đã bị tháo gỡ, các dòng người lại thông thương ùn ùn đón năm mới mà vẫn chưa quên những tháng ngày đỉnh dịch mất mát vừa qua.

Có lẽ, trong chúng ta chẳng ai có thể ngờ được rằng có một ngày, những từ và cụm từ kiểu như "giãn cách", "cách ly", "phong tỏa", "hồi hương", "đứt gãy", "bóc tách",  vùng cam, xanh, vàng, "mỗi gia đình/địa phương là một pháo đài", "ai ở đâu, ở yên đó", "chống dịch như chống giặc"… lại trở thành thông dụng đến mức cả xã hội, thậm chí đến cả em bé cũng hiểu. Gần đây lại là kit test, "thổi giá", các CT 15, 16, 18, là cuộc sống "bình thường mới" – sống chung với Covid, thay vì "Zero Covid". 

Thực ra chẳng có gì bình thường cả, khi trẻ em học online, gần đây khối lớp 9-12 mới được đến trường. Trẻ em vẫn bị nhốt ở nhà, cha mẹ thì bữa đi làm, bữa thành F0; người già run run chen chân tiêm mũi 3… trước làn sóng Omicron mới. Dòng người vẫn đổ về trung tâm đông đúc xem countdown đón năm mới và nỗi lo lây nhiễm vẫn còn đó.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, vì đó là dòng chảy không thể cưỡng lại được. Kinh tế mở cửa trở lại, người ta vừa hân hoan, vừa lo ngại khi đến công sở, xí nghiệp. Vừa lo trả nợ đơn hàng cuối năm, vừa lo Tết cho nhân viên, vừa lo lạm phát rình rập. Những bước đi ngập ngừng nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều so với thời gian giãn cách tất cả ở yên trong nhà, thiếu hàng hóa, thiếu ăn, thiếu sự chăm sóc ở các khu cách ly; mà đầy nghi kỵ khi ai cũng là F0, ai cũng là nguy cơ đỏ khi đi từ vùng dịch, bị bắt nhốt, giam lỏng, kỳ thị…

Sự thay đổi đó là mấu chốt, khi tư duy chống dịch không bị máy móc như ban đầu, khi rốt cuộc người ta cũng hiểu ra – Covid chẳng phải là hàng rào ngăn cách con người với con người, là chỉ thị này chồng lên chỉ thị kia mà chẳng giải quyết gì được, là sự bất lực của lao động hồi hương khi không có chính sách hợp lý giữ họ lại, là sự giam hãm con người trong chính gia đình mình gây nên những câu chuyện bạo hành nhức nhối.

Covid cũng không phải là dịp để những kẻ tham lam mà độc ác làm giàu từ kit test "ngoáy mũi", từ bệnh tật của đồng loại; cũng chẳng thể độc quyền ban phát vaccine, thậm chí cả khi vaccine quá đát. Và cả sự chủ quan ban đầu, cho mình đã chiến thắng Covid, dẫn đến quá tải cả hệ thống y tế, mà sự ra đi của hơn 32 ngàn người là một nỗi đau, trong đó đến nay, vẫn còn không ít gia đình chưa thể nhận tro cốt của người thân, do quá tải, hay do thất lạc…

Năm 2021 cũng là năm biến động khi không ít quan chức cấp cao bị vào tù hay vướng vòng lao lý. Các vụ án lớn ở Hà Nội, TP.HCM ở hàng lãnh đạo hai thành phố lớn nhất nước và cả cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, rồi hàng loạt sĩ quan cấp tướng… cho thấy rồi những vụ tham nhũng nào cũng phải ra ánh sáng. Không còn "vùng cấm" cho những kẻ ăn trên nỗi khổ của đồng bào trong vụ kit xét nghiệm, hay các vụ nâng giá trang thiết bị y tế.

Làn gió mới đó khiến gương mặt người Sài Gòn hôm nay bừng lên niềm tin, cho dù họ đã phải trải qua những ngày tháng khổ sở và đau thương như thế. Thành phố kinh tế năng động này đang gượng dậy sau đỉnh dịch, với tỷ lệ miễn dịch tự nhiên cao nhất nước. 

Nhắc lại những ngày tháng đã qua cũng là nhắc lại những trải nghiệm khó quên, để tiếp tục sửa sai và bước tiếp, để lo cho dân như cho chính gia đình mình, chứ không phải là những kẻ nhập cư xa lạ trong thành phố không có chỗ bấu víu. Các tổ chức thiện nguyện xã hội ở TP này cũng đầy kinh nghiệm khi giúp người nghèo, các y bác sĩ cứu người không nghỉ liên tục suốt 6 tháng qua, nay vẫn giúp tỉnh bạn… Người dân qua cơn hoạn nạn càng quý những giây phút bình an, khỏe mạnh bên người thân, càng tìm cách đùm bọc giúp nhau hơn. Qua đỉnh dịch, phẩm chất của người Sài Gòn ngời sáng.

Năm mới, khi nào người ta cũng nghe lại "Happy New Year" của ABBA, vì bên trong nỗi buồn và mất mát còn có hy vọng, bên trong đổ vỡ có sự khơi dậy, nhen nhóm niềm tin. Điều này cũng đúng khi chính ban nhạc từng tan vỡ nay lại tái hợp cuối năm.

Ngôn ngữ của mùa xuân, đó là khi bừng lên hoa mai ở các ngõ, là đường phố sống lại người xe chen chân, là hàng hóa thông thương không bị ngăn cản… Là sức sống của một thành phố vừa bước ra khỏi dịch bệnh tang thương, là hy vọng từ những thay đổi, từ những sai lầm có thể rút ra kinh nghiệm để cùng người dân tạo dựng cuộc sống một cách tốt đẹp và tích cực hơn.

Ngôn ngữ của mùa xuân "bình thường mới", ngoài chữ "hồi sinh", còn là "sứ mệnh" vượt lên dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế, dù chật vật, dù có những cái chết không tránh khỏi của doanh nghiệp.

Trên tất cả, đó là ngôn ngữ của sự thay đổi tầm nhìn, để làm sao dân đỡ khổ, đỡ mất niềm tin và có cái nhìn đầy hy vọng vào một năm mới phía trước nhiều thử thách nhưng không còn sợ hãi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem