Thứ sáu, 29/03/2024

Nắn dòng vốn ngoại cho mục tiêu kinh tế xanh

10/01/2023 8:00 AM (GMT+7)

Khép lại năm 2022, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam bị sụt giảm 11% so với năm liền kề trước đó. Dù vậy, với gần 27,72 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại đăng ký trong năm vừa qua thì đây là kết quả không thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn và dòng vốn đầu tư toàn cầu bị sụt giảm.

Với lợi thế đang trở thành một điểm đến chiến lược của các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư bền vững và giá trị hơn, sau hành trình 35 năm gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nắn dòng vốn ngoại cho mục tiêu kinh tế xanh
 - Ảnh 1.

Sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: TL

Tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư hiện hữu

Không nằm ngoài dự báo trước đó về đầu tư toàn cầu đi xuống hoặc đi ngang, nguồn vốn FDI từ các dự án mới được cấp phép vào Việt Nam trong năm 2022 cũng bị sụt giảm. Cụ thể dù có hơn 2.000 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm vừa qua (tăng 17,1% so với 2021), nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt gần 12,45 tỉ đô la, giảm 18,4% so với năm trước đó.

Tương tự, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam trong năm vừa qua cũng bị sụt giảm đến 25,2%, chỉ đạt hơn 5,15 tỉ đô la.

Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro do ảnh hưởng của xung đột chính trị toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, và cả các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Tuy vậy, tình hình thu hút vốn ngoại trong năm qua của Việt Nam cho thấy nổi lên với các nhà đầu tư hiện hữu tăng cường điều chỉnh rót thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hàng loạt nhà đầu tư lớn đã tăng cường mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Heineken gần đây đã ký Bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư thêm 142 triệu đô la nhằm mở rộng nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á của hãng được khánh thành cách đây 4 tháng tại KCN Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ.

Khoản đầu tư bổ sung này trong 3 năm (2023-2025) sẽ nâng tổng vốn đầu tư của Heineken Việt Nam vào nhà máy bia Vũng Tàu lên hơn 500 triệu đô la và nâng công suất từ 11 triệu hectolit/năm lên 16 triệu hectolit/năm.

Gần đây, cụm cảng – bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm của dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, vốn đầu tư hơn 5 tỉ đô la Mỹ cũng được khánh thành.

Theo chia sẻ của ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SCG, chủ đầu tư của Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, tổ hợp hoá dầu Miền Nam là dự án trọng điểm của tập đoàn SCG và SCG Chemicals (ngành hóa dầu của tập đoàn SCG) tại Việt Nam, thể hiện cam kết lâu dài của tập đoàn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Dự kiến giữa năm 2023, dự án có thể vận hành thương mại tổng thể và điều này sẽ đóng góp đáng kể cho kinh tế địa phương và đất nước.

Đáng chú ý là những tập đoàn công nghệ với hàng loạt dự án lớn như Panasonic, Samsung, Bosh, Goertek, Foxconn… cũng đang được đẩy nhanh quá trình thực hiện và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022 có hơn 1.100 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm gần 10,12 tỉ đô la, tương ứng tăng 12,4% và tăng 12,2% so với năm trước đó. Đây được xem là điểm sáng trong bức tranh thu hút dòng vốn ngoại của nền kinh tế gần 100 triệu dân trong năm vừa qua.

Đáng chú ý, cùng với các dự án mới, các doanh nghiệp bổ sung vốn mở rộng đầu tư này cũng cho triển khai dự án khá nhanh chóng. Nhờ đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong năm qua ước đạt 12,8 tỉ đô la, tăng 10,5% so với năm 2021. Điều này cho thấy dù tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào nền kinh tế gần 100 triệu dân và môi trường đầu tư Việt Nam để tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư.

Sự thành công và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư hiện hữu ở thị trường trong nước theo các chuyên gia sẽ là “minh chứng sống” và là các “đại sứ” hiệu quả để Việt Nam thu hút thêm các nhà đầu tư khác quan tâm, tin tưởng đến Việt Nam đầu tư kinh doanh.

Nắn dòng vốn ngoại cho mục tiêu kinh tế xanh
 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam tiếp tục tăng nhiều vốn đầu tư dù bị ảnh hưởng nặng nề về khó khăn của kinh tế thế giới trong thời gian qua. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện gần đây tiếp tục ghi nhận sự tín nhiệm của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể khảo sát hơn 600 công ty Nhật Bản ở Việt Nam về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, có 60% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN. Khảo sát này được JETRO thực hiện đối với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Đại Dương.

Mặt khác, JETRO cho biết, trong khảo sát tương tự ở Trung Quốc, số doanh nghiệp trả lời họ sẽ mở rộng kinh doanh chỉ chiếm 33,4%, mức thấp nhất từ khi thực hiện khảo sát với cả khối phi chế tạo năm 2007 tới nay.

Tương tự, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 42% doanh nghiệp của hiệp hội đang dự tính sẽ đổ thêm vốn vào Việt Nam trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp có nhiều vốn đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… cũng cho biết tiếp tục rót vốn vào Việt Nam và xem Việt Nam là điểm đến chiến lược để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nắn dòng vốn đầu tư xanh và giá trị hơn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Tại hội nghị G20 tổ chức tại Indonesia, Financial Times ghi nhận đánh giá của các chuyên gia, cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo giới phân tích, Việt Nam có dân số tương đối trẻ với gần 100 triệu dân, là nền kinh tế có dân số đông tham gia vào 16 hiệp định FTA. Điều này giúp thu hút vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời có thể chiếm lĩnh được thị trường toàn cầu, nhất là dưới tác động tích cực của các FTA thế hệ mới. Đáng chú ý, dòng vốn FDI đang có sự thay đổi về chất lượng đổ vào các lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng tái tạo cũng như tăng trưởng xanh, và kinh tế số…

Những yếu tố thuận lợi trên cho thấy cơ hội thu hút vốn ngoại của Việt Nam sắp tới là lớn, nhất là năm 2023 cũng đánh dấu bước sang năm thứ 36 thu hút FDI của Việt Nam.

Nắn dòng vốn ngoại cho mục tiêu kinh tế xanh
 - Ảnh 3.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế trong 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ đô la vốn FDI. Trong số này, có 274 tỉ đô la đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng,…

Trong buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2023 tại TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng trước đây, đất nước đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng, đàm phán ký kết với các đối tác về các Hiệp định thương mại tự do và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng đã đến lúc cần phải xem xét lại nghiêm túc những mục tiêu này. “Bởi một mặt chúng ta mừng vì đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, song nhìn sâu vào kết quả này có thể thấy khoảng 74 – 75% giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đem lại”.

Mục tiêu của Việt Nam khi thu hút đầu tư FDI là thu hút vốn để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, để có một quá trình chuyển giao về công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại 15 năm vừa qua, theo ông Diên, mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là chưa nhiều.

“Do đó, mục tiêu đặt ra của chúng ta về thu hút FDI là chưa đủ”, người đứng đầu ngành công thương nói, và cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế mà chỉ nhìn vào cái số doanh nghiệp, số vốn đầu tư hay kết quả ký được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự thì chưa đủ mà hội nhập kinh tế quốc tế phải được đo đếm bằng khả năng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế”.

Do đó, theo ông Diên, mục tiêu cho năm 2023 của ngành Công Thương, Bộ Công Thương là phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp có thẩm quyền tổng kết lại chính sách hội nhập kinh tế quốc tế giống như tổng kết lại chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa qua. Từ đó, đưa ra những chính sách mới vừa đảm bảo thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, nhưng không phải thu hút bằng mọi giá.

“Chúng ta tiến tới không chỉ “made in Vietnam” mà còn phải “by in Vietnam” và phải làm sao các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam ngoài thực thi nhiệm vụ của mình còn cần thúc đẩy lan tỏa ảnh hưởng đối với doanh nghiệp trong nước”, ông Diên nói.

Bộ trưởng dẫn ra ví dụ như phải quy định về tỉ lệ nội địa hóa, tốc độ nội địa hóa đối với nguyên liệu, quy trình sản xuất và sản phẩm làm sao trong giá trị xuất khẩu dần thể hiện rõ hơn, nhiều hơn đóng góp của doanh nghiệp trong nước đối với sản phẩm xuất khẩu thì giá trị xuất khẩu mang lại mới thực chất hơn cho Việt Nam.

Trên thực tế chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường,… đã được Chính phủ và các bộ ngành đặt ra nhiều năm qua. Những năm gần đây, sản xuất theo hướng xanh hóa và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư chất lượng, an toàn môi trường,… cũng ngày càng được chính quyền các địa phương ưu tiên. Chính bản thân một số nhà đầu tư lớn cũng ngày càng nâng chất lượng đầu tư với những dự án kỹ thuật cao hơn, công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, nhân lực trình độ cao của Việt Nam còn quá ít. Việt Nam cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi nhiều địa phương có chất lượng nguồn nhân lực tốt sẽ giúp thu hút FDI tốt hơn.

Bất lợi nữa còn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, từ phương diện giá cả chưa cạnh tranh, chất lượng chưa tốt đến khả năng giao hàng đúng thời điểm.

Việt Nam cũng phải sớm khắc phục điểm hạn chế khác về kết cấu hạ tầng chưa bằng các nước trong khu vực, chi phí logistics nội địa cao. Đáng chú ý doanh nghiệp trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đủ phát triển để doanh nghiệp FDI có thể hợp tác nâng cao hiệu quả cũng như tăng tính chủ động trong bối cảnh những cú sốc về xung đột địa chính trị khu vực hay toàn cầu đang xảy ra như hiện nay.

Các ý kiến của nhà đầu tư còn cho rằng việc sản xuất xanh thì đòi hỏi hạ tầng cho sản xuất cũng phải xanh nhưng vấn đề này Việt Nam cần phải còn cải thiện nhiều.

Việt Nam sẽ phải tiếp tục cuộc đua thu hút FDI chất lượng cao với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Singapore. Mục tiêu sắp đến trong thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao và bền vững. Do vậy, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn tiện hạ tầng về công nghệ, đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, và đạt các chuẩn mực cao về lao động và môi trường.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.