“Nắn gân” để mua được điện tái tạo

Chủ nhật, ngày 10/12/2017 08:41 AM (GMT+7)
Việt Nam là quốc gia duy nhất trở thành thị trường lớn trong tương lai cho điện sản xuất tại Lào. Bằng cách gây sức ép để Lào hạn chế các dự án thuỷ điện, tăng các dự án năng lượng tái tạo, bền vững hơn, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á , trung tâm Stimson, định vị lợi thế của người mua.
Bình luận 0

Chương trình Kết nối lưu vực Mekong bao gồm Stimson phối hợp tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), đại học California Berkeley, học viện Ngoại giao tổ chức buổi toạ đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL” tại TP Cần Thơ ngày 2.12.2017, muốn gỡ rối việc mua điện, nhưng khó thành công.

img

Thủy điện Xayaburi của Lào chặn dòng chính trên sông Mekong.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng trung bình từ 7,5 – 11% mỗi năm, phải tăng công suất hơn ba lần từ 33.964MW năm 2014 đến 129.500MW năm 2030. Theo bà Courtney Weatherby, đại diện Stimson, quy hoạch nhiệt điện than ở Việt Nam đang chiếm gần một nửa, quá dày đặc. 14 nhà máy than ở ĐBSCL phụ thuộc than nhập khẩu, tốn nhiều chi phí vận chuyển, phải giải quyết những tác động môi trường nghiêm trọng  và cần phải có công nghệ hiện đại để xử lý tro xỉ.

Cần mua năng lượng sạch

Không có đủ tài nguyên để đáp ứng được nhu cầu này, Việt Nam phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Lào và Campuchia. Việc này chỉ giải quyết bằng cách tìm nguồn thay thế bền vững hơn.

Ấn Độ, Thái Lan đang có chương trình cắt giảm nhiệt điện. Đặc biệt, tại Ấn Độ giá điện mặt trời thấp hơn điện than. Giá tấm pin năng lượng mặt trời đang thấp dần và dễ lắp đặt hơn. Trong tương lai, năng lượng mặt trời và gió sẽ cạnh tranh hơn trong khi than ngày càng đắt đỏ. Giá thành năng lượng tái tạo trên toàn cầu sụt giảm – giá điện mặt trời giảm 13%, gió 10,75%. Năm 2016, giá thành điện mặt trời giảm ở mức kỷ lục: 3 cent/kWh.

Đặt ra mục tiêu Lào trở thành “bình ắquy của Đông Nam Á”, Chính phủ Lào đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn trên dòng chính sông Mekong và tiến hành tham vấn để xây dựng đập thứ ba.

Lào, Campuchia sẽ xây dựng hơn 130 đập lớn (công suất trên 50MW) trên các dòng nhánh của sông Mekong vào năm 2030.

Việt Nam sẽ mua 1.000MW năm 2020, 3.000MW năm 2025 và 5.000MW năm 2030. Các thoả thuận mua điện đóng vai trò quyết định trong việc dự án nào được triển khai, theo các chuyên gia quốc tế. “Việt Nam cần phải đầu tư vào Lào và Campuchia với tỷ trọng tương đương với Thái Lan và Trung Quốc. Tận dụng cơ hội này để đi lên như quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng bền vững”, bà Courtney Weatherby nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, băn khoăn về việc khó phân loại điện từ nguồn thuỷ điện, mặt trời, gió, khi Lào hoà các nguồn vào lưới quốc gia. Liệu Việt Nam có đủ cứng rắn để thực hiện gợi ý mà nhóm chuyên gia từ chương trình Kết nối lưu vực Mekong đưa ra hay không? Theo ThS Thiện, thời gian qua, một số ngành công nghiệp Việt Nam phát triển theo kinh tế xám, sử dụng nhiều năng lượng. Việt Nam nên tăng cường xây dựng, đầu tư vào năng lượng tái tạo khi tăng cường áp lực với người bán.

Giá bán điện tại Lào đối với các nước trên dưới 10 cent/kWh; cao điểm lên tới 15 cent/kWh; trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo chỉ hơn 9 cent/kWh. Nếu tính phí truyền tải nữa, Việt Nam sẽ mua điện từ Lào với giá rất cao. PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (trường ĐH Cần Thơ), lưu ý việc mua – bán này sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại cũng như những tuyên bố trước đó của Việt Nam đối với các kế hoạch phát triển thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, ảnh hưởng tới vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL.

Có thuỷ điện, mất tất cả

Để trở thành bình ắc  quy của Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách ở Lào xây dựng nhiều dự án thuỷ điện mới, nhưng lại thiếu quy hoạch chiến lược cấp lưu vực. Điều này khiến Lào không đạt được mục tiêu doanh thu như mong muốn, mà còn gây ra các tác hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu tại Việt Nam và Campuchia. TS Tuấn và các chuyên gia quốc tế  nhấn mạnh: ngoài việc mất nguồn đạm do giảm lượng cá di cư vướng các đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong, Campuchia sẽ bị thiệt hại nguồn lợi này tới 63%.

“Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA – International Energy Agency), xây các đập thuỷ điện lớn rất tốn kém – chi phí phát sinh vượt quá 40%, và mất rất nhiều thời gian để sinh lợi. Nên lựa chọn các phương án năng lượng thay thế để có thể xây dựng khung thời gian ngắn hơn. Kỷ nguyên năng lượng thay thế giá thành cao đã qua rồi”, TS Nikky Avila, trường ĐH California nói. Theo ông, Lào có thể thay thế các dự án thuỷ điện bằng chương trình năng lượng đa dạng hơn, tiết kiệm tới 2 tỉ USD.

“Đối với Việt Nam, tôi cảm thấy lo lắng khi chương trình phát triển nhiệt điện than, trong đó ĐBSCL có tới 14 nhà máy. Điều này thật kinh khủng”, ông Brian Eyler nói.         

 Ngọc Bích (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem