Làm gì để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động thất nghiệp?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 28/02/2023 06:13 AM (GMT+7)
Dạy nghề cho lao động thất nghiệp là chủ trương lớn, nhân văn nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới những sai phạm. Cần làm gì để nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động thất nghiệp?
Bình luận 0

Số lao động thất nghiệp đi học nghề thấp

20 năm tham gia thị trường lao động thì có tới 3 lần anh Nguyễn Văn Tiến (Hoài Đức, Hà Nội) bị mất việc làm, thất nghiệp. Mỗi một lần thất nghiệp là một lần anh khổ sở đi tìm việc làm mới.

Anh Tiến chia sẻ: "Là lao động phổ thông nên cơ hội tìm được việc làm tốt, ổn định rất khó. Trước đây tôi làm công ty giày da, công ty phá sản tôi thất nghiệp. Hưởng trợ cấp thất nghiệp xong thì xin việc làm mới, nhưng vì lúc đó còn trẻ nên công ty nhận luôn, nhưng giờ đi xin việc càng ngày càng khó hơn".

Nguyên nhân của việc khó xin việc hơn là bởi anh là lao động phổ thông, không có tay nghề, cộng thêm vào đó là tuổi cao (45 tuổi) nên các công ty thường ưu tiên tuyển lao động trẻ.

Cuối năm 2022, anh Tiến lại rơi vào cảnh thất nghiệp, sau 2 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn chưa xin được việc làm, anh Tiến quyết tâm đăng ký đi học nghề lái xe theo chương trình hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề.

dạy nghề cho lao động thất nghiệp

Một buổi dạy nghề pha chế đồ uống cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội. Ảnh: NT

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Đậu Thị Hiền - Trưởng phòng Đào Tạo Nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội cho biết hiện tại Trung tâm đang tổ chức dạy 4 nghề là: Kỹ thuật nấu ăn; tin học văn phòng; chế biến món ăn; cắt may công nghiệp. Ngoài 4 nghề này, lao động thất nghiệp sẽ được tư vấn thêm nhiều nghề ngắn hạn như: Học lái xe ô tô; học tiếng đi xuất khẩu lao động... để có thể lựa chọn.

"Chúng tôi liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu lao động tham gia học nghề tại các cơ sở này, đồng thời cũng hỗ trợ giới thiệu việc làm ngay sau học nghề", bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, ngay khi làm bài tốt nghiệp khóa học, trung tâm sẽ mời doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng qua để quan sát, tìm hiểu có thể tuyển dụng trực tiếp. Đây là cơ hội lớn để kết nối cung - cầu cho lao động và doanh nghiệp.

"Thống kê cho thấy có tới 90% lao động sau học nghề có việc làm ngay. Một số làm cho công ty, doanh nghiệp, số khác thì tự tạo việc làm. Lao động học nghề dịch vụ thường thích tự tạo việc làm, số tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp cũng chiếm đa số", bà Hiền nói.

Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, nhìn chung số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề còn thấp, có tăng nhưng tăng chậm.

Năm 2022, trung tâm đã tư vấn giới thiệu cho hơn 2.000/hơn 50.000 lao động hưởng BHTN đi học nghề. Sở dĩ con số này thấp là bởi nhiều nguyên nhân.

"Phần đông người lao động thất nghiệp mong muốn được tư vấn giới thiệu việc làm để quay lại thị trường lao động luôn, không muốn phải học nghề vì mất thời gian. Mặt khác chương trình dạy thường ngắn hạn (chỉ 3 tháng) chưa phù hợp với nhiều lao động trẻ, mong muốn quyết tâm học các nghề đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao để chuyển đổi công việc cụ thể", ông Thành.

Báo cáo của các địa phương gửi Cục Việc làm trước đó thì tỷ lệ lao động có nhu cầu đi học nghề rất thấp, chỉ rơi vào khoảng 0,3-0,5% tổng số lao động thất nghiệp.

Khắc phục tình trạng đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp hình thức, qua loa

Bên cạnh những tổ chức, đơn vị đào tạo hiệu quả thì vẫn có những nơi, những địa chỉ hoạt động đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp còn qua loa, hình thức, lấy việc đào tạo để trục lợi.

Cuối năm 2022, Thanh tra TP.HCM đã ban hành kết luận thanh tra về việc tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM. Theo đó, phát hiện nhiều sai phạm, một trong số đó liên quan tới việc đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.

 Cụ thể về nội dung tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp, Thanh tra TP.HCM chỉ ra các vi phạm về sổ sách kế toán và việc dạy học thực tế. Trong đó, qua kiểm tra, có 39 lớp dạy nghề (đã thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM hơn 1 tỉ đồng), cơ quan thanh tra xác định trung tâm chỉ tổ chức lớp học 1 buổi là không tổ chức giảng dạy đủ thời gian theo chương trình đào tạo.

Ngoài ra, 113 lớp dạy nghề khác có nhiều dấu hiệu thể hiện việc trung tâm không tổ chức giảng dạy thực tế, tổ chức gộp nhiều lớp thành một lớp hoặc học viên không đi học nhưng vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

dạy nghề cho lao động thất nghiệp

Tư vấn và giới thiệu học nghề cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội. Ảnh: NT

Thanh tra TP.HCM nhận định việc này có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời kiến nghị UBND TP.HCM chuyển sang Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.

Mới đây, UBND TP.HCM có chỉ đạo cụ thể với Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Công an, Bảo hiểm xã hội và Thanh tra TP.HCM yêu cầu khắc phục các sai phạm nêu trên và mời công an vào điều tra làm rõ, xử lý các sai phạm nêu trên.

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng để khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề ngoài việc nâng cao chất lượng dạy nghề để "hút" lao động thì Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và đa dạng hóa các nghề đào tạo. Hơn nữa, cần nâng cao cả mức trợ cấp thất nghiệp, có vậy lao động mới yên tâm học nghề.

"Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra kiểm sát định kỳ tại các đơn vị đào tạo. Thực hiện xử lý nghiêm các sai phạm, như vậy mới nâng cao được chất lượng đào tạo", ông Lợi nói.

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định rõ mức hỗ trợ học nghề với lao động đang hưởng BHTN như sau:

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Quyết định này cũng quy định rõ điều kiện lao động hưởng BHTN được hưởng hỗ trợ từ học nghề. Theo đó, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; và trừ trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thực hiện nghĩa vụ quân sự... không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề.

Thứ hai, NLĐ phải đóng BHTN đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mới đủ điều kiện hưởng hỗ trợ học nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem