Nâng cao giá trị chè Xuất khẩu: Quy hoạch ngay vùng trồng

Thứ ba, ngày 05/11/2013 09:24 AM (GMT+7)
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu (XK) chè nhưng giá trị mà ngành hàng này thu lại, lại thuộc hàng thấp nhất thế giới... Câu hỏi nhiều người đặt ra là làm sao nâng cao giá trị sản phẩm chè Việt Nam?
Bình luận 0
Bất cập từ sản xuất- chế biến

Theo Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm, trong số 7 mặt hàng nông sản XK chủ yếu thì XK chè giảm 2,8% về lượng, chỉ đạt 103.000 tấn, kim ngạch 150 triệu USD. Với mục tiêu XK cả năm của ngành chè là 155.000 tấn và kim ngạch 250 triệu USD thì mức đạt được của 9 tháng bằng 97,2% về lượng và 102% về trị giá. Đây là mức tăng thấp nhất cả về lượng và giá tính từ năm 2010 trở lại đây.

Thu hoạch chè đặc sản ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái.
Thu hoạch chè đặc sản ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại, nông lâm thổ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), chè Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất thô, chỉ dùng làm nguyên liệu cho các thương hiệu chè của thế giới chế biến. Do vậy, giá trị lớn thu được thì các thương hiệu họ hưởng, còn ngành chè Việt Nam chỉ thu về được ít tiền.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cũng nêu thực tế rằng, ngành chè Việt Nam đang “có vấn đề” từ giống, tuổi vườn chè, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, chế biến, thu hoạch... Chính vì những bất cập này đã kéo theo cả chuỗi giá trị sản xuất, XK chè Việt Nam xuống thấp.

Thực tế, giá chè XK trung bình từ đầu năm đến nay của Việt Nam chỉ đạt 1.582 USD/tấn, tăng 4,85% so với mức giá trung bình 1.509 USD/tấn của năm 2012. Tuy nhiên, giá chè XK của Việt Nam mới chỉ bằng 60-75% giá XK bình quân của thế giới.

9 tháng đầu năm 2013, XK chè đạt 103.000 tấn, giá trị 150 triệu USD. Top 10 thị trường XK chè của Việt Nam từ đầu năm đến nay gồm: Đài Loan, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Afganistan, Hoa Kỳ, Iran, Ba Lan và UAE.

Ông Đoàn Anh Tuân- Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, ngành chè đang bộc lộ nhiều bất cập ở cả 3 công đoạn trồng, chế biến và tiêu thụ. 70% diện tích cây chè được trồng bởi các nông hộ nhỏ nên chất lượng chè không đồng đều và khó kiểm soát. Số diện tích chè được áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP từ 10% thì đến năm nay chỉ còn khoảng 5% do nông dân không mặn mà.

Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến chè thì mọc lên vô tội vạ với công suất gấp đôi sản lượng nguyên liệu. Chưa kể các nhà máy chế biến cũng nhỏ bé, công nghệ lạc hậu. Gần 3/4 số nhà máy có công suất không đến 1 tấn/ngày và chỉ có 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh mua gây mất ổn định cho vùng nguyên liệu chè.

Nên theo nhu cầu thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành chè Việt Nam cần tiến hành quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng. Quy hoạch và sắp xếp lại, giảm số lượng nhà máy chế biến, trong đó nhà máy chế biến phải có liên kết với vùng nguyên liệu và nghiêm chỉnh áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất.

Ông Đoàn Anh Tuân kiến nghị Chính phủ nên sớm có chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chè và nông dân liên kết, nông dân có thể mua cổ phần trong nhà máy chè, làm chủ sản phẩm chè XK. Cuối cùng, ngành chè cần tái cơ cấu lại theo hướng thị trường, tức là trồng và sản xuất chè theo nhu cầu và được quyết định bởi thị trường. Có như vậy, giá bán chè VN mới có thể được nâng lên.
Nguyễn Phương (Nguyễn Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem