Nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông Quảng Trị xuống thấp kỷ lục

30/06/2020 16:43 GMT+7
Nắng hạn kéo dài trong nhiều tháng quá khiến mực nước trên các sông suối ở Quảng Trị khô cạn, dự báo có thể đạt thấp nhất trong vòng 43 năm trở lại đây.

Nắng hạn kéo dài trong nhiều tháng quá khiến mực nước trên các sông suối ở Quảng Trị khô cạn, dự báo có thể đạt thấp nhất trong vòng 43 năm trở lại đây.

Nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông Quảng Trị xuống thấp kỷ lục - Ảnh 1.

Những ruộng lúa đang khô dần vì nắng hạn. Ảnh: Công Điền.

Theo dự báo của của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới tình trạng nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp sẽ dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân sinh. Cũng theo cơ quan này, năm nay nắng nóng và gió phơn Tây Nam xuất hiện sớm và kéo dài hơn mọi năm, nền nhiệt độ được dự báo lớn hơn nhiều năm nên càng làm gia tăng mức độ khô hạn và thiếu nước.

Đến nay, trên nhiều con sông ở Quảng Trị, lưu lượng dòng chảy thượng nguồn thiếu hụt từ 50-75% lượng dòng chảy. Đặc biệt trên một số sông mực nước có khả năng đạt giá trị thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1976 - 2019.

Nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông Quảng Trị xuống thấp kỷ lục - Ảnh 2.

Tiên liệu được việc thiếu nước tưới, một ruộng lúa của người dân đã được bỏ hoang. Ảnh: Công Điền.

Vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được hơn 22.000ha lúa. Hiện nay ở nhiều địa phương, song song với tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, nông dân đang căng mình lo chống hạn trong sự phấp phỏng lo âu trước diễn biến bất thường của thời tiết. Theo ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, nếu thời gian tới không mưa, khả năng mất trắng khoảng 300ha lúa và hoa màu trong vụ Hè Thu ở các xã vùng gò đồi các huyện Hải Lăng, Hương Hóa, Gio Linh là khó tránh khỏi.

Nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông Quảng Trị xuống thấp kỷ lục - Ảnh 3.

Các kênh mương chỉ còn trơ đáy sau một thời gian dài thời tiết khô hạn. Ảnh: Công Điền.

Không chỉ lo thiếu nước, mực nước các sông xuống thấp đã tạo điều kiện cho xâm nhập mặn gia tăng từng ngày khiến cho đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương này càng thêm khó khăn. Tại huyện Cam Lộ, do sự thiếu hụt lượng mưa từ cuối mùa mưa 2019 nên sang mùa khô 2020 tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn mọi năm.

Trên sông Hiếu chảy qua địa bàn huyện này mặn đã xâm nhập đến chân cầu Đuồi với độ mặn giao động từ 0,09-0,12‰.

Trong khi đó, tại huyện Triệu Phong, khu vực chân đập Trấm trên sông Thạch Hãn đã bị tác động bởi xâm nhập mặn với độ mặn đo được giao động từ 4,3-5,6‰. Trên sông Bến Hải ở huyện Vĩnh Linh mặn đã xâm nhập đến cầu An Tiêm, độ mặn đo được ở đây giao động từ 11,1-15,2‰.

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Quảng Trị, với xu thế tiết hiện này, thời gian tới có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn với diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, việc cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết: Do mưa ít cho nên lượng nước ở các hồ chứa lớn còn khoảng 60%, các hồ chứa nhỏ còn khoảng 30 - 40% dung tích thiết kế. Mặt khác, lượng nước các sông, suối và các kênh rạch cạn kiệt, khiến khoảng 1.500 ha lúa bị khô hạn.

Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Trị, để ứng phó với nắng, hạn, trước mắt tỉnh đã chuyển gần 700 ha lúa thiếu nước sang sản xuất cây trồng khác. Thời gian tới, tỉnh sẽ yêu cầu các địa phương tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang trồng các loại cây chịu hạn, chu kỳ ngắn ngày, sử dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước…

Nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông Quảng Trị xuống thấp kỷ lục - Ảnh 4.

Người dân phàn nàn vì thiếu nước sách để dùng dù có hệ thống nước đã được đầu tư. Ảnh: Công Điền.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị tìm giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Trước mắt, công ty đã lập hồ sơ thiết kế, xây dựng công trình đập dâng trên sông Vĩnh Phước để tích trữ nguồn nước cho Nhà máy nước Tân Lương hoạt động.

Cùng với đó, tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTN xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn nước từ công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị cho hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn; đồng thời chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch,... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn.

Đến nay, trên nhiều con sông ở Quảng Trị, lưu lượng dòng chảy thượng nguồn thiếu hụt từ 50-75% lượng dòng chảy. Đặc biệt trên một số sông mực nước có khả năng đạt giá trị thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc từ năm 1976 - 2019.


Theo Công Điền/Nongnghiep.vn
Cùng chuyên mục