Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng

Thứ năm, ngày 22/11/2012 13:53 PM (GMT+7)
Dân Việt - Với 444/462 ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong phiên họp sáng 22.11.
Bình luận 0

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp và người phụ thuộc được nâng lên 9 triệu đồng/tháng và 3,6 triệu đồng/tháng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã sửa đổi, bổ sung 6 điều trong luật hiện hành. Vấn đề đáng chú ý nhất là luật đã điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh và có những quy định phù hợp để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.

Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng thay vì 4 triệu đồng/tháng như luật hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,6 triệu đồng/tháng như luật hiện hành.

Luật cũng quy định: Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả.

Cũng theo luật này, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được quy định chặt chẽ hơn bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, luật quy định thủ tục hành chính đơn giản hơn, kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm, cá nhân thì áp dụng kỳ tính thuế theo năm không cần làm thủ tục đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế như luật hiện hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013.

Cũng trong sáng 22.11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hòa giải ở cơ sở. Các ý kiến cơ bản thống nhất với các chính sách của Nhà nước về hòa giải cơ sở, đồng thời nhấn mạnh việc cân nhắc mức độ phù hợp với bản chất tự nguyện, tự quản, không hành chính hóa của hoạt động này.

Xung quanh điều 8 của dự thảo luật với hai phương án “Bầu, công nhận hòa giải viên” hoặc “Lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên”, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) tán thành phương án 2 với lý do người làm công tác hòa giải là tự nguyện, có uy tín nên phải do nhân dân địa phương giới thiệu. Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) ủng hộ phương án 1 dù băn khoăn rằng điều này khó thực hiện trên thực tế do gây tốn kém về công sức và thời gian. Đại biểu Xuyền cũng nhấn mạnh về việc cần có quy định mở để tăng tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem