Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 3): Thành quả của quá trình tái cơ cấu

Anh Thơ Thứ năm, ngày 17/09/2020 15:30 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý, lúa gạo là ngành đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
Bình luận 0

Gạo ngon, giống tốt

Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về ngành hàng lúa gạo, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, hiện quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở các địa phương đang đi theo 2 hướng. Một là thu hẹp diện tích ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả, hoặc những nơi chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, tưới tiêu khó...

Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 3): Thành quả của quá trình tái cơ cấu - Ảnh 1.

Sản xuất lúa thơm ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường

Có một xu hướng nữa là sản xuất lúa gạo ngày càng thân thiện với môi trường, nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học, phân hữu cơ được đưa vào sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng" nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm sức ép lên tài nguyên.

Thứ hai, sản xuất lúa gạo chuyển sang hướng sử dụng cơ giới hóa nhiều hơn, đối phó với tình hình giá dao động lên cao, xu hướng sử dụng tiết kiệm tài nguyên để giảm giá thành cũng được áp dụng.

Có một xu hướng nữa là sản xuất lúa gạo ngày càng thân thiện với môi trường, nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học, phân hữu cơ được đưa vào sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng" nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm sức ép lên tài nguyên.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến sâu, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ lúa gạo, liên kết với nông dân tạo thành vùng chuyên canh khép kín. Một số địa phương cũng giảm bớt vòng quay của đất, chuyển dịch thời vụ cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.

Nâng tầm gạo Việt xứng danh “hạt vàng” (bài 3): Thành quả của quá trình tái cơ cấu - Ảnh 3.

Ngành hàng lúa gạo có nhiều phân khúc thị trường

img

"Với ngành hàng lúa gạo có nhiều phân khúc thị trường có thể phát triển được. Ví dụ, có nơi người ta chủ trương phát triển gạo Japonica mà thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa chuộng; có vùng chuyên trồng gạo đặc sản; có vùng làm gạo hạt dài, gạo thơm; thậm chí những loại gạo phẩm cấp thấp như IR50404 vẫn còn đất sống vì nó phù hợp với chế biến làm tinh bột".

TS Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều doanh nghiệp ký kết với nông dân làm lúa sạch

img

"Hiện nay, cả thế giới đang cải thiện độ phì nhiêu của đất lúa thông qua việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ. Hai loại này giúp khôi phục lại tình trạng nguyên thủy của đất, trả về đất các chất vi lượng, các loại vi sinh vật, trung hòa các dưỡng chất trong đất, từ đó làm rễ lúa phát triển tốt, có sức kháng sâu bệnh cao, nếu có sâu bệnh thì cũng rất ít, người dân khỏi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ở ĐBSCL đã có rất nhiều công ty, đơn vị ký kết với nông dân làm theo cách này thông qua hợp tác xã. Theo đó, sản phẩm gạo thu được rất ngon, an toàn, giá thành sản xuất thấp hơn do không sâu bệnh (hoặc rất ít) nhưng bán được giá cao (vì không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật) do xuất khẩu được. Ngành chức năng các địa phương cần nhân rộng cách làm trên, tuyên truyền sao cho người dân hiểu lợi ích của việc bón phân vi sinh, phân hữu cơ cho đất lúa, để tập làm theo, bước đầu làm diện tích ít để cho gia đình ăn, sau đó mở rộng hết diện tích để phục vụ cộng đồng.

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ

P.V (ghi)

"Nói chung, sản xuất lúa gạo là một ngành hàng thành công nhất trong thời gian qua, từ chỗ mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực giờ đã thành quốc gia xuất khẩu lương thực vào hạng đầu trên thế giới. Sản lượng, giá gạo của Việt Nam cũng được đẩy lên rất cao. Nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến, chúng ta xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh" - TS Đặng Kim Sơn nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định, những năm gần đây, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, hàng năm diện tích gieo trồng lúa của chúng ta chỉ dao động trong khoảng 7,3 - 7,4 triệu ha nhưng sản lượng thóc lên tới 43,4 - 43,5 triệu tấn/năm, không chỉ đủ cho tiêu dùng và chế biến trong nước với 100 triệu dân mà mỗi năm còn xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, gạo Việt đã đến được nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Điều đáng mừng hơn là, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, chứng tỏ sức cạnh tranh của gạo Việt ngày càng mạnh. Có được điều đó là nhờ những năm qua, chúng ta đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Phải khẳng định, Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ.

Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ. Trong điều kiện vô cùng khó khăn do hạn mặn, thiếu nước, bão lụt nhưng chúng ta vẫn đảm bảo diện tích gieo trồng, sản lượng thóc theo đúng mục tiêu đề ra.

"Quan trọng hơn, người dân cũng có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn, Bộ NNPTNT, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả" - ông Cường nói.

Đáp ứng nhiều phân khúc thị trường

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, không chỉ thành công trong việc tạo ra nhiều giống lúa chất lượng, có hương vị thơm ngon, gạo Việt còn đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường. 

"Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận. Gạo Việt đã đến được thị trường châu Á, châu Phi, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tức là rất nhiều phân khúc nhưng có một đòi hỏi chung của các thị trường là phải đảm bảo an toàn thực phẩm" – ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Cường cho rằng, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), khi đó, hàng rào thuế quan hầu như bị gỡ bỏ, các nước buộc phải bảo hộ sản xuất trong nước bằng các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, trong đó vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong quá trình tái cơ cấu nhưng theo TS Đặng Kim Sơn, ngành lúa gạo hiện vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó tồn tại lớn nhất của ngành lúa gạo hiện nay là vẫn còn đáng kể diện tích cạnh tranh theo chiều rộng, phải sử dụng nhiều đất, nước, vật tư đầu vào. Một số nơi nông dân vẫn sử dụng nhiều vật tư nên giảm chất lượng gạo, còn tồn dư hóa chất, ô nhiễm môi trường.

"Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, dù còn những tồn tại như vậy nhưng nếu nói những tồn tại này đem lại bất lợi trong cạnh tranh cho ngành lúa gạo thì không đúng. Bởi thực tế, trong số những mặt hàng nông sản bị đối tác nước ngoài trả về do tồn dư hóa chất, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... lại không phải là gạo mà chủ yếu trên một số gia vị, trái cây. Câu chuyện hàng bị trả về không phải là vấn đề quá lớn đối với mặt hàng gạo. 

Trên thị trường thế giới, gạo Việt đang biểu hiện cạnh tranh tốt, nếu có vấn đề gì về chất lượng thì cũng không thuộc vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm mà chỉ là về mặt hình thức, gạo không trong, không dài, độ gãy không như yêu cầu phía đối tác; thương hiiệu còn bị phối trộn, truy xuất nguồn gốc chưa tốt - TS Đặng Kim Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem