Nên xem xét cả đơn nặc danh

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vấn đề bảo vệ và khen thưởng người tố cáo là điểm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhất hôm qua (18-11) khi thảo luận dự thảo Luật Tố cáo.
Bình luận 0
img
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phát biểu sáng 18-11.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng: Bảo vệ người tố cáo nhằm giúp người tố cáo tin tưởng vào sự đúng đắn, công minh của pháp luật, giúp họ mạnh dạn phản ánh những sai trái của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, những quy định về bảo vệ người tố cáo được nêu trong dự thảo còn chung chung, thiếu cơ chế áp dụng trong thực tiễn.

Theo đại biểu Sáng, muốn bảo vệ người tố cáo phải xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính. Về thứ tự ưu tiên, theo ĐB này, cần ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo; cần thiết có thể bảo vệ cả người thân của họ, đồng thời cũng cần quy định việc bảo vệ quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, uy tín của người tố cáo.

Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) cho rằng, việc quan trọng nhất để bảo vệ người tố cáo là giữ bí mật cho họ. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc tố cáo phải qua các khâu tiếp nhận đơn, đơn tố cáo phải có địa chỉ rõ ràng, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý nên rất khó giữ bí mật. Vì vậy, cần phải nêu rõ các biện pháp gì để thực hiện.

Nhiều đại biểu cho rằng, tố cáo là một việc nguy hiểm nhưng việc khen thưởng chưa đủ khích lệ người tố cáo. Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) dẫn ví dụ: Vừa qua Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư tuyên dương 88 người có công trong việc tố cáo tham nhũng. Văn phòng Ban chỉ đạo cho biết là “làm liều” khi thưởng mỗi người 2 triệu vì không có quy định. "Theo tôi phải khen thưởng xứng đáng để bù đắp những thiệt hại trong việc người ta mạnh dạn tố cáo tham nhũng, phanh phui những vụ việc" - đại biểu Dũng nói.

Vấn đề có giải quyết đơn thư nặc danh hay không vẫn là vấn đề nhiều tranh cãi tại buổi thảo luận. Nhiều đại biểu cho rằng không nên xử lý đơn thư nặc danh vì dễ dẫn đến hiện tượng khiếu kiện tràn lan, đặc biệt là vào các dịp đại hội, bầu cử; gây mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn cho rằng, đây là một nguồn thông tin tốt để phát giác tiêu cực.

Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) Nguyễn Đình Xuân cho rằng: Thực tế trong quản lý, tố cáo nặc danh cũng cần trân trọng. "Những thông tin đúng về vi phạm là quý như vàng. Có một đống cát mà có một thỏi vàng, tôi nghĩ rằng tôi sẵn sàng đãi để tìm thỏi vàng đấy. Cho nên, tôi đề nghị nên xem xét tất cả những nguồn thông tin chúng ta có được",đại biểu Xuân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem