Nét đẹp độc đáo của phong tục xin chữ ngày đầu năm mới

Ngọc Quyên Thứ năm, ngày 26/01/2023 14:21 PM (GMT+7)
Quan niệm xin chữ đầu xuân mang nhiều ý nghĩa với từng gia đình, thể hiện mong muốn may mắn, bình an, sung túc cho người thân trong năm mới.
Bình luận 0

Video người dân, du khách xin chữ tại hội chữ Xuân. Thực hiện: Ngọc Quyên.

Xin chữ thể hiện truyền thống hiếu học

Người Việt xưa có câu "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng" để nhấn mạnh thú chơi chữ từng được ưa chuộng hàng đầu trong dân gian. Thú chơi thư pháp bắt nguồn từ khi ông cha ta còn sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong thời phong kiến. Theo quan niệm dân gian, ngày tết mà có được một chữ Hán viết trên giấy đỏ của ông đồ cho chữ để treo trong nhà thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Nét đẹp độc đáo của phong tục xin chữ ngày đầu năm mới - Ảnh 2.

Ông đồ cẩn thận "vẽ" từng nét chữ trên giấy lụa đỏ tại Hội chợ Xuân.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, trong nền khoa cử Nho học xưa kia của nước ta, chỉ những anh khoá (sĩ tử) nào đã thi cả 3 kỳ thi đỗ Tú Tài, thì mới được mọi người gọi là ông đồ. Người xin được chữ thư pháp là đã xin được may mắn, những điều tốt lành, tài lộc cho cả năm. Ngoài cầu những điều mình mong muốn, người xin chữ còn muốn xin "lây" những phẩm chất, đức độ, tài năng của thầy đồ.

Ngoài văn hay chữ đẹp, ông đồ có nhân cách, đạo đức, tuổi nghề cao càng được nhiều người đến "ngỏ lời". Để xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ. Họ thường xin các câu đối, câu văn hay hoặc tuỳ tâm tư nguyện vọng người xin mà ông đồ sẽ cho chữ thích hợp. Như vậy, ông đồ vừa có thể thoải mái thảo chữ, người xem vừa được chiêm ngưỡng nét riêng độc đáo của người viết một cách trọn vẹn.

Nét đẹp độc đáo của phong tục xin chữ ngày đầu năm mới - Ảnh 3.

Ghé đến mỗi gian chữ, hình ảnh ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, bày "mực tàu giấy đỏ" như tái hiện văn hoá khi xưa.

Nghệ thuật thư pháp dần được khôi phục từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với nhiều hình thức, truyền thống xen lẫn cách tân, và từ đó khởi sắc. Ngày nay, không cần phải đến tận nhà thầy mà ta có thể ghé qua Văn Miếu hay Hồ Văn - nơi thường xuyên tổ chức hội chữ Xuân. Để trở thành ông đồ tại đây, những người tham gia khảo tuyển sẽ trải qua 2 phần thi là phạm văn và thực hành. 

Phần thi phạm văn gồm Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp Quốc Ngữ còn phần thi thực hành ông đồ sẽ được kiểm tra trình độ thư pháp bao gồm tính liên kết và logic của nội dung, hình thức tác phẩm, kỹ pháp viết, bố cục, đường nét, lạc khoản, ấn chương…

Ý nghĩa phong tục xin chữ 

Mỗi dịp đầu năm mới, những cô cậu sĩ tử, người đang đi làm lại rủ nhau đến Văn Miếu (Hà Nội) xin chữ. Mỗi người sẽ tự chọn cho mình con chữ phù hợp để xin ông đồ. Ngoài ra, dựa vào tâm tư, ông đồ sẽ giải thích từng nét chữ để người xin hiểu rõ ý nghĩa sâu xa.

Nét đẹp độc đáo của phong tục xin chữ ngày đầu năm mới - Ảnh 4.

Ông đồ trò chuyện cùng cậu học trò nhỏ trước khi cho chữ.

Ông đồ Hoàng Tiến Dũng chia sẻ: "Người dân thường hay xin chữ lộc, tài, đỗ đạt, bình an,.. mong muốn thông qua con chữ gửi gắm tâm nguyện, mong cầu cho năm mới, hoặc lời tâm niệm, lấy chữ để răn mình, phát nguyện ý chí rèn tập, giữ gìn nhân cách, phẩm hạnh, trí tuệ, đạo đức".

Ngoài ra, xin chữ cũng là cách nhiều gia đình chọn để trang trí nhà cửa ngày Tết. Tuỳ vào gia chủ mà loại giấy, kích thức, hình thức chữ viết khác nhau. Để thể hiện ý nghĩa của con chữ cần phải treo ở vị trí cao nhất, dễ linh ứng, không gian thoáng, vì vậy nên treo ở trong phòng khách hoặc những nơi trang trọng. Thông thường, họ sẽ chọn chữ theo thành ngữ, ca dao hoặc câu đối như: "hoàng kim vạn lượng, chiêu tài tiến bảo,...". 

Nét đẹp độc đáo của phong tục xin chữ ngày đầu năm mới - Ảnh 5.

Quốc Đạt vui vẻ khoe chữ vừa mới xin được.

Quốc Đạt, sinh viên Học viện Ngân hàng đến Hội chữ Xuân (Văn Miếu) tham quan, xin chữ đầu năm. Quốc Đạt cho hay, hằng năm, bạn thường đến Văn Miếu xin chữ vừa để cầu may, vừa như tự căn dặn bản thân cần cố gắng hơn trong năm mới. 

"Năm ngoái, mình xin chữ " trí tuệ" mong thi đỗ đại học. Năm nay, khi đã đỗ mình được thầy mách cho chữ "ngũ phúc lâm môn" nghĩa là năm chữ phúc đến nhà mình cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình", Đạt bộc bạch.

Còn với Lan Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) thì quan niệm rằng, việc xin chữ đầu năm ngoài cầu mong một năm mới bình an thì đó còn được coi như một nét đẹp không thể thiếu được trong những ngày đầu năm mới.

"Nét đẹp này được duy trì nhiều năm và ai cũng cảm thấy ý nghĩa. Bản thân em cũng thấy rất vui, phấn khởi khi được ông đồ cho chữ đầu năm", Lan Phương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem