Nếu không tự tái chế rác thải, nhà sản xuất phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường

Danh Hùng Thứ hai, ngày 28/12/2020 12:17 PM (GMT+7)
Dự kiến trong năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì là chất thải...
Bình luận 0

Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa. Về phía người dân, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Về phía nhà sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, để định hình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Nếu không tự tái chế rác thải: Nhà sản xuất phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Theo luật mới, trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm mở rộng đến giai đoạn thành rác thải (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Hoàn thiện chính sách "mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất" là một phần không thể thiếu trong quá trình đổi mới chính sách quản lý chất thải rắn và trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay.

Giải thích cụ thể về quy định này, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT, cho biết, đây là một cách tiếp cận, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.

Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định, tuy nhiên không thực hiện được. Hiện trạng cho thấy, những năm qua, gần như không có nhà sản xuất nào tự nguyện thu hồi sản phẩm khi hết vòng đời. Người tiêu dùng vứt các loại rác thải, kể cả rác thải nguy hại vào chung với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.

"Chính vì vậy, lần này, chúng tôi đưa quy định nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có 2 trách nhiệm: trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý" - ông Phan Tuấn Hùng cho biết.

Vụ trưởng Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh, đối với sản phẩm hàng hóa được sản xuất ra có tính độc hại, không có khả năng tái chế hoặc tái chế với tỷ lệ thu hồi thấp, hoặc không thể thu hồi được, ví dụ như các sản phẩm nhựa dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá…, nhà sản xuất phải có trách nhiệm nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để Bộ TNMT hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng, địa phương thực hiện dự án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.

Luật cũng quy định rõ hơn đối với các sản phẩm dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm tái chế và đưa ra các quy định liên quan đến mua sắm xanh, ưu tiên ngân sách nhà nước mua các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm tái chế…

Phải đóng quỹ nếu không tự tái chế

Về trách nhiệm tái chế, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Các sản phẩm, bao bì phải được tái chế là các sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế, bao gồm: Pin, ắc quy; thiết bị điện và điện tử; săm lốp; dầu nhớt; ôtô, xe máy; bao bì.

Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Mục tiêu chính sách của quy định này nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế, tăng tỷ lệ tái chế; từng bước thiết lập ngành công nghiệp tái chế và phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Về trách nhiệm xử lý, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TNMT cho biết, các chất độc hại, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý hoặc không có khả năng tái chế bao gồm: Bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu có sử dụng nhựa như một thành phần nguyên liệu.

Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp các hoạt động thu gom, xử lý, nghiên cứu, sáng kiến quản lý chất thải sinh hoạt.

Mục tiêu chính sách của quy định này nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng tài chính cho quản lý chất thải sinh hoạt từ nhà nước sang nhà sản xuất, nhập khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem