Nếu làm ra tiền, lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể vài tỷ đồng

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 21/11/2018 13:52 PM (GMT+7)
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước làm được bao nhiêu tiền, còn lương ít hay nhiều không thể đánh giá được. Thậm chí, lương có thể lên tới 1 - 1,5 tỷ đồng nếu làm ra tiền.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Sáng 21.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ  đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), đã chỉ ra khiếm khuyết trong việc tạo điều kiện, thậm chí ép buộc các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo thị trường. 

Việc này theo TS. Nguyễn Đình Cung đã đạt được những thành công nhất định như không còn quy định ưu đãi riêng; không chỉ đạo vay vốn riêng, không còn cấp vốn tái cơ cấu, bù lỗ hay đã xử lý thua lỗ theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc thị trường vẫn còn 3 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất cơ quan quản lý vẫn chưa tính đúng tính đủ với doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ khi cổ phần hóa mới đánh giá lại tài sản của doanh theo giá thị trường. Trong khi đáng lẽ phải đánh giá với tất cả doanh nghệp Nhà nước để biết được hiện chúng ta có tài sản theo giá thị trường là bao nhiêu.

“Nếu không đánh giá, chúng ta không nhìn thấy sức mạnh của doanh nghiệp Nhà nước, vì giá trị thật nhiều khi cao hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

img

TS. Nguyễn Đình Cung (Ảnh: I.T)

Thứ hai, chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước đang giao cho người quản lý và doanh nghiệp những chỉ tiêu rất thấp. Theo đó, chủ sở hữu không thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận quá thấp, thậm chí là thấp hơn cả lãi vay cơ bản của ngân hàng.

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất: “Phải giao chỉ tiêu thật cao để những người thực sự nỗ lực tối đa thì mới có thể làm được. Không thể giao nhiệm vụ ai cũng có thể hoàn thành. Không thể chấp nhận mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất vay vốn ngân hàng mà phải gấp hơn 2 lần, tương đương thị trường chứng khoán”.

Lấy ví dụ doanh nghiệp có doanh thu thấp nhất nhóm 500 công ty lớn nhất toàn cầu đã có doanh thu 24 tỷ USD vào năm 2017. Trong khi 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là PVN, Viettel, EVN mới có doanh thu 11 tỷ USD.

Theo Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 của Chính phủ, những Tập đoàn,Tổng công ty có mức doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở khối Tập đoàn.

Trong đó, EVN (299.346 tỷ đồng); PVN (292.723 tỷ đồng); Viettel (251.474 tỷ đồng); TKV (79.907 tỷ đồng); VNPT (55.830 tỷ đồng); MobiFone (44.206 tỷ đồng); Vinachem (41.872 tỷ đồng); TCT CN Xi măng VN (25.482 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (23.814 tỷ đồng); TĐ CN Cao su VN (22.526 tỷ đồng); TCT Thuốc lá VN (20.123 tỷ đồng)....

“Ba doanh nghiệp lớn nhất của ta doanh thu mới chỉ bằng 1/2 công ty thấp nhất thế giới. Chúng ta phải đầu tư có trọng điểm thì mới hi vọng có doanh nghiệp lọt top 500 Thế giới”, ông Cung nói.

Thứ ba, doanh nghiệp Nhà nước không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh mà bị quản lý một cách rất gò bó, ràng buộc, không thể hoạt động theo thị trường. Một trong những biểu hiện rõ nhất là các doanh nghiệp không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường.

“Khi có ai đó được trả lương 1 - 1,5 tỷ đồng/năm thì xã hội cho là rất cao. Trong khi đó, vấn đề là họ làm được bao nhiêu tiền, còn lương nhiều hay ít không thể đánh giá được”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Ngoài ra, theo ông Cung, quản trị của các doanh nghiệp  Nhà nước nếu so với các thông lệ OECD thì có một khoảng cách rất xa.

“Thời gian vừa rồi, ngay cả những nguyên tắc rất đơn giản Chính phủ yêu cầu làm, làm rất dễ, không tốn kém chi phí gì cả mà vẫn mang lại những hiệu quả cải thiện quản trị nhất định, như công khai thông tin, nhưng các DNNN vẫn không làm, hoặc làm rất chậm. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rất nhiều lần, nhưng vẫn không làm, thì rõ ràng đó là ý thức. Một lần nữa, ở đây có cái gì đó không buộc các doanh nghiệp phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường”, TS Cung nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem