“Nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021”

PVCT Thứ hai, ngày 15/06/2020 16:50 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (Phú Yên), đối với trường hợp cán bộ công chức, viên chức đang làm việc, ông thống nhất với đề xuất của Chính phủ là tạm thời chưa tăng lương. Tuy nhiên đến tháng 10/2020, nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, nghĩa là tăng trưởng 4,9% trở lên thì Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021.
Bình luận 0

Chiều nay (15/6), tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội, ĐBQH Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính – Ngân sách của Quốc hội đã có phát biểu tranh luận liên quan đến vấn đề tiền lương.

Ông nói: Theo đề xuất của Chính phủ, từ 1/7/2020, chưa tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội. Ông cho rằng đối với tất cả chúng ta dù người có mức thu nhập cao hay người có mức thu nhập thấp, mỗi khi nghe nói đến tăng lương, nhất là thời điểm tăng lương sắp đến thì ai cũng vui. Có thể nói nhiều người sẽ buồn khi Nhà nước chưa tăng lương cơ sở.

“Nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021” - Ảnh 1.

ĐBQH Đinh Văn Nhã (ảnh quochoi.vn).

"Tôi thử đặt mình vào vị trí của người về hưu, dù còn một năm nữa mới vinh dự được nghỉ hưu, nhưng mình sẽ là người trong tâm thế hưởng lương hưu. Chúng ta hiểu rằng người hưởng lương hưu, chưa nói đến người hưởng trợ cấp xã hội là những người có thu nhập thấp trong xã hội", ĐB Nhã nói.

Từ dẫn chứng trên, ông đề nghị Chính phủ tới đây xử lý vấn đề này hợp tình, hợp lý hơn. "Nên phân làm 2 nhóm đối tượng, đối tượng thứ nhất, đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng vẫn cần tăng lương theo lộ trình từ 1/7, theo Nghị quyết Quốc hội. Trường hợp đối với người nghỉ hưu, nếu Chính phủ tính toán không cân đối đủ nguồn vốn, thì tôi đề nghị áp dụng tăng lương hưu đối với người nghỉ hưu từ 1995 trở về trước, bởi đây là nhóm người có thu nhập rất thấp.

Đối với cán bộ công chức, viên chức đang làm việc, tôi thống nhất với Chính phủ là tạm thời chưa tăng lương. Nhưng đến tháng 10/2020 nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, nghĩa là tăng trưởng với 4,9% trở lên thì Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021", ĐBQH Đinh Văn Nhã nói.

“Nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021” - Ảnh 2.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi phát biểu (ảnh quochoi.vn).

Ở góc độ khác, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung quyết liệt để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục và duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. 

ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 của chúng ta từ 2,93% đã nhanh chóng tăng trong những tháng đầu năm 2020. Theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động tăng 20% so với cùng kỳ. Đến đầu tháng 6 này, chúng ta có nửa triệu lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Về việc làm và tạo việc làm mới, giảm rất nhanh trên thị trường lao động và hiện nay chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ lao động tham gia thị trường lao động mới chỉ còn 75,4% (thấp nhất trong 10 năm gần đây); số doanh nghiệp, người lao động tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí cho đến nay lên đến 1.400 doanh nghiệp và 124.000 lao động.

"Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục điều chỉnh điều kiện và tiêu chuẩn hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ", ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem