"Nếu trong kỳ họp này, tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì rất tuyệt vời"

PVCT Thứ sáu, ngày 27/05/2022 12:56 PM (GMT+7)
"Nếu trong kỳ họp này, tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì rất là tuyệt vời. Điều đó có nghĩa trong 1 kỳ họp có ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận và gửi ngay thư khen", ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói.
Bình luận 0

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi). Phát biểu góp ý, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết: Khi thảo luận ở tổ về dự thảo Luật này ông đã đề cập tới hình thức thư khen của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp cần phải có sự động viên, khen thưởng kịp thời.

Ông cho biết, tại các nước, các cháu học sinh được Tổng thống, Thủ tướng gửi thư khen kịp thời khi có thành tích xuất sắc.

"Nếu trong kỳ họp này, tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì rất tuyệt vời" - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng là thư khen của các vị lãnh đạo. Ảnh QH

"Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam chúng ta rất cần hình thức này. Nếu bản thân tôi hay con cháu của tôi nhận được thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ,…quả thực rất là tuyệt vời. Từ đó các cháu sẽ phấn đấu và làm tốt hơn và không cần phải làm hồ sơ thi đua khen thưởng gì.

Tại Quốc hội, nếu như trong kỳ họp này tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì rất là tuyệt vời. Điều đó có nghĩa nếu như trong 1 kỳ họp có ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, từ đó gửi ngay thư khen thì tinh thần của kỳ họp được nâng cao, ĐBQH sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành thời gian, công sức để cống hiến", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng, ngoài các hình thức khen thưởng: Huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen thì cần thêm một hình thức nữa là thư khen.

"Nếu trong kỳ họp này, tôi được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì rất tuyệt vời" - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Hình thức thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng và các vị lãnh đạo là hết sức cao quý. Ảnh QH

Phát biểu sau đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng ý với ĐB Trần Hoàng Ngân. Ông cho rằng, hình thức thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng và các vị lãnh đạo là hết sức cao quý, là động viên rất lớn cho các đối tượng được khen nên rất cần đưa hình thức này vào dự thảo Luật.

Góp ý vào dự thảo Luật, về thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với dân quân tự vệ, ĐBQH Phan Văn Xựng (TP.HCM) chỉ ra rằng, theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức là đơn vị thành lập, giải thể, quản lý, chỉ huy, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động dân quân tự vệ, đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ khi được điều động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ Quốc phòng được giao quản lý nhà nước về dân quân tự vệ và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chưa có quy định về thẩm quyền đề nghị khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ khoảng 1,45 % dân số toàn quốc.

Để tôn vinh, khen thưởng đúng thành tích, kết quả, sự hy sinh của dân quân tự vệ, đồng thời kịp thời động viên cũng như phát huy vai trò dân quân, tự vệ trong huy động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ĐBQH Phan Văn Xựng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào dự thảo Luật thẩm quyền, trình hình thức khen thưởng cấp nhà nước đối với dân quân tự vệ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem