Ngã rẽ của cựu tuyển thủ U19 Việt Nam

Chủ nhật, ngày 06/02/2022 08:10 AM (GMT+7)
Bỏ đá bóng để đi học, rồi kinh doanh bất động sản, Lê Phúc Quý chứng minh cho mọi người thấy bóng đá không phải là lựa chọn duy nhất của đời cầu thủ.
Bình luận 0

Chỉ mới vài năm trước còn dán mác tuyển thủ U16 và U19 quốc gia, nhưng sau biến cố chấn thương ngoài dự kiến, Lê Phúc Quý đã quyết định từ bỏ bóng đá để chuyển sang ngành nghề mới mẻ. Câu chuyện của Quý cho thấy sự khắc nghiệt của lứa cầu thủ còn sót lại 3-4 người theo đuổi sự nghiệp.

Biến cố của cầu thủ trẻ

Lê Phúc Quý sinh năm 1999 tại Diên Khánh, Khánh Hòa. Năm lên 11 tuổi, cậu được tuyển vào đội U11 năng khiếu tỉnh và trải qua 10 năm theo các lứa U. Phúc Quý từng lên đội tuyển U16 và U19 Việt Nam. Năm 2017, sau đợt tập trung kéo dài 3 tuần tại Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, cậu ra về với đầu gối bị tổn thương nặng.

Quý kể lại: "Đợt đó, chúng tôi tập thể lực rất nặng, lúc ngủ cũng mơ đang chạy. Đầu gối bắt đầu bị đau, nhưng tôi vẫn ráng. Bác sĩ thấy tôi ra sân chạy mà cứ cà giựt, mới thăm khám và phát hiện ra chấn thương. Tôi dặn các anh đừng nói với thầy".

"Với những đứa trẻ đến từ miền quê như chúng tôi, việc được gọi lên đội tuyển U19 Việt Nam là vinh dự cho tỉnh nhà và cả gia đình. Đó là khát khao của mọi cầu thủ. Dù có đau, chúng tôi phải ráng. Tôi xin thuốc giảm đau uống, chứ không bỏ".

Quý bị loại sau đó 3 tuần do không theo được cường độ và khối lượng. Cậu vào TP.HCM khám và được chẩn đoán một loạt chấn thương, từ vỡ sụn bánh chè đến đứt bán phần dây chằng chéo. Cậu mất 15 tháng điều trị và dưỡng thương.

Phúc Quý tự hào cho biết mình sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành. Anh trai của Quý là Lê Đức Trọng (sinh năm 1996), trước cũng là cầu thủ U21 Khánh Hòa. Sau khi giải nghệ, Trọng học ngành Nuôi trồng thủy sản, rồi vào TP.HCM làm việc. Chị của Quý học Đại học Marketing, đang làm ở ngân hàng tại Quận 7.

Bản thân Quý cũng có 10 trong 12 năm đạt học sinh giỏi. Hồi đó, cậu không sinh hoạt tập trung với đội, mà chỉ đăng ký tập ngoại trú, ở nhà có ba mẹ kèm cặp chuyện học hành. Hai năm cuối cấp, do áp lực chuyên môn, Quý phải dọn lên trung tâm ở và từ đó có phần lơ là bài vở trên lớp, chỉ còn đạt học lực loại khá.

Ngã rẽ của cựu tuyển thủ U19 Việt Nam - Ảnh 1.

U19 Việt Nam là cơ hội và cũng trở thành bước ngoặt sự nghiệp của Phúc Quý.

Bước ngoặt tuổi 21

"Bận đá bóng, nên tôi không còn thời gian học thêm. Đi đá giải về, tôi tự lên mạng tìm thầy dạy online, hoặc nhờ mấy đứa bạn giỏi trong lớp kèm. Đợt thi tốt nghiệp, tôi có 2 tháng ôn luyện, đúng nghĩa học lại từ đầu. Tôi hứa, chỉ cần ba mẹ cho con đi đá, thì con quyết sẽ vào đại học.

Quý không những đậu tốt nghiệp THPT mà còn dư 2,75 điểm để trúng tuyển ngành nuôi trồng thủy sản Đại học Nha Trang. Trước giờ ở đội trẻ Khánh Hòa, chỉ có tôi và anh trai vào được đại học. Đó là niềm tự hào lớn với cả gia đình", cựu tiền đạo 23 tuổi hãnh diện nói.

"Giai đoạn năm 2017-2018, tôi tập trung điều trị chấn thương và phải bảo lưu việc học ở trường. Để giết thời gian, tôi mua sách về đọc. Quá trình đọc sách giúp tôi thay đổi về tư duy, suy nghĩ. Tôi đón nhận mọi thứ cởi mở hơn và nhận ra bóng đá không phải là lựa chọn duy nhất".

Cuối năm 2020, khi dự xong giải U21 quốc gia, Phúc Quý quyết định giải nghệ. Cậu tự thấy mình không đủ thể trạng và phong độ để theo đuổi nghề nghiệp này.

Cậu kết luận: "Ở Việt Nam, cầu thủ mà không đá V.League, không có mác tuyển thủ thì cuộc sống khó mà dư dả. Tôi càng quyết tâm dừng lại để tìm hướng đi mới. Khoảng tháng 3/2021, sau thời gian tìm hiểu, tôi chính thức gia nhập ngành bất động sản".

Cựu tuyển thủ U19 nhận ra môi giới bất động sản không chỉ đơn giản là bán đất. Cậu học được nhiều thứ từ công việc như học về giao tiếp, cách đối nhân xử thế. "Tôi không bao giờ suy nghĩ chỉ bán đất khi thị trường lên, còn thị trường xuống thì nghỉ", Quý đúc kết.

Sau thời gian công tác, nhận thấy công việc có triển vọng, Quý đã quyết định bỏ ngang năm 3 đại học. Cậu thừa nhận mình không thích ngành nuôi trồng thủy sản theo truyền thống gia đình. Quý giấu chuyện nghỉ học. Sau này, khi công việc ổn định và có thu nhập, cậu mới nói với gia đình và được chấp nhận.

Ngã rẽ của cựu tuyển thủ U19 Việt Nam - Ảnh 2.

Lứa U15 Khánh Hòa có khoảng 20 cầu thủ, thì còn 3-4 người chơi bóng chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC.

Bóng đá không chỉ có màu hồng

Nhìn lại hành trình đã qua, Phúc Quý thừa nhận mình may mắn hơn nhiều so với bạn đồng trang lứa. Cậu từng có thời gian chểnh mảng học hành, nhưng đã biết dừng lại kịp lúc và tự chọn con đường phù hợp.

"Lứa của tôi có 20 người, nhưng 17 người đã bỏ bóng đá. Bây giờ, tôi đoán khoảng 3-4 bạn chơi chuyên nghiệp. Ở giải hạng Nhất, Nguyễn Đăng Hậu khoác áo Cần Thơ mùa 2021. Còn ở V.League, Phạm Văn Luân của CLB Sài Gòn. Các bạn còn lại phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Đứa bán quán phở, đứa làm công nhân khu công nghiệp, bưng bê quán cafe hoặc thậm chí cả bốc vác… Mỗi bạn một nghề, thế nên cũng lâu rồi anh em không có dịp gặp lại".

“Lứa 1999 của Khánh Hòa, tôi tiếc nhất trường hợp của Tấn Việt. Cũng như tôi, Việt từng được gọi lên đội tuyển U16 và U19 Việt Nam. Cậu ấy thông minh và khéo. Nếu gặp môi trường và HLV tốt, tương lai có thể đã khác. Mới đây, tôi gặp lại Việt thì biết cậu ấy đang làm ở gara ôtô, trông vừa gầy vừa đen, nhìn rất tội.

Việt cũng quyết định bỏ ngang bóng đá vì không nhìn thấy tương lai rõ ràng. Cỡ cậu ấy bây giờ ra ngoài chơi, thì lương thưởng cũng 12-15 triệu đồng, ở nhà tìm việc thì cũng kiếm được ngần đó. Việt không muốn đi xa để rồi cứ lông bông mãi. Thà là cứ ở quê nhà, tìm công việc cụ thể, tập trung vào đó để nâng cao tay nghề và bám trụ vẫn tốt hơn”.

Ngoài Tấn Việt, Phúc Quý còn giới thiệu cho chúng tôi một trường hợp bỏ ngang khác là Phạm Đình Hiếu (sinh năm 1997 - cựu cầu thủ Khánh Hòa - đang làm việc ở cùng công ty với Quý). "Anh Hiếu là trường hợp khác. Anh ấy có thể lực, phong độ tốt, liên tục đá chính ở các đội hạng Nhất là Long An và Cần Thơ. Vì tương lai mịt mờ, anh quyết định bỏ bóng đá cuối năm rồi", Quý kể.

"Ở quê, gia đình có người làm cầu thủ thì tự hào lắm. Đâu phải ai cũng trở thành cầu thủ, đi đá chuyên nghiệp rồi lên tuyển được. Thế nên, khi biết tin con trai dừng đá bóng, ba anh Hiếu giận lắm. Đến giờ, ông vẫn không muốn nói chuyện với anh. "10 năm rồi, nói nghỉ là nghỉ sao được?", anh Hiếu rơm rớm kể lại với tôi lời ba anh nói.

"Làm cầu thủ mà không nổi tiếng, không đá V.League hoặc có mác tuyển thì khổ lắm. Lương tháng 12-15 triệu đồng, chăm sóc gia đình riêng đã khó, chứ đừng nói đến việc mua nhà. Những cầu thủ đang có chỗ đứng nhất định mà dám rẽ ngang như anh Hiếu thật sự hiếm. Tôi chỉ khuyên anh tập trung vào công việc. Khi có thành quả, gia đình sẽ hiểu và thông cảm cho mình", Phúc Quý bày tỏ.

Bùi Hoàng Việt Anh gặp bố mẹ khi về đến khách sạn 
Minh Phương - Lê Minh (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem