Nga sẽ chiếm ngôi vị số 1 về công nghệ quân sự hải quân?

Thứ hai, ngày 25/08/2014 06:45 AM (GMT+7)
Công nghệ quân sự hải quân Nga chiếm 27% thị trường toàn cầu, hơn 400 tàu chiến Nga đang phục vụ ở khoảng 27 quốc gia trên thế giới.
Bình luận 0

Trong những năm gần đây, Moscow nổi lên như một nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ quân sự hải quân và chiếm 27% thị trường toàn cầu. Theo Tổng thống Vladimir Putin, tỷ lệ công nghệ hải quân trong danh mục xuất khẩu của công ty nhà nước Rosoboronexport là 15%. Danh mục đầu tư cho việc cung cấp vũ khí của Nga đạt 50 tỷ USD. Hiện có hơn 400 tàu ngầm và tàu mặt nước của Nga đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của 27 nước trên thế giới.

"Sự phổ biến của kỹ thuật quân sự hải quân Nga chủ yếu nhờ vào chi phí tương đối thấp và hiệu quả chiến đấu rất cao của nó", Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị (TsentrAST) nói. Bên cạnh đó Nga đang thực hiện một chương trình quy mô lớn để hiện đại hóa hạm đội của riêng mình. Hàng tỉ rúp đã được đầu tư hiện đại hóa sản xuất, kết quả là Nga không chỉ tăng tốc được khả năng đóng tàu, mà còn nâng cao chất lượng lên đáng kể.
img Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mà Nga xuất khẩu cho Việt Nam.

Một ưu thế đáng kể cho các chương trình đóng tàu của Nga là Viện Thiết kế thường cung cấp các tàu được đóng theo phương pháp module. Những module này giống như các khối xếp hình Lego mà khách hàng có thể đặt mua một tàu chiến với các hệ thống vũ khí được tích hợp riêng mà không gặp nhiều khó khăn và tốn kém nhiều thời gian.

Lựa chọn tốt

Có thể thấy, các đề án tàu hộ vệ cỡ lớn như Project 11356, Project 11541 và Gepard 3.9, project 20382 Tigr, cũng như các tàu tên lửa cao tốc 12300 Skorpion hay 20970 Katran ... là những ví dụ về sự ưu việt của các tàu chiến Nga. Chúng khác nhau rất nhiều về lượng giãn nước, kích thước và nhiệm vụ chiến đấu, nhưng đều sử dụng chung hệ thống vũ khí.

img Nạp đạn tên lửa 3M-54E Klub-S cho tàu ngầm Kilo 877EKM.

Điều này cũng đúng khi nói đến các tên lửa hành trình chống tàu của Nga, như Klub-S cho tàu ngầm và Klub-N cho hạm nổi. Ngoài ra còn có phiên bản tên lửa bờ biển Klub-M hay Klub-K có thể chứa trong container thông thường. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ tàu chở hàng khô nào cũng có thể được biến thành một tàu chiến của quân đội.

Các hệ thống tên lửa Klub được thiết kế để tấn công các tàu nổi, tàu ngầm và các công trình ven biển trong điều kiện bị chế áp và gây nhiễu điện tử mạnh. Chúng bao gồm các tên lửa hành trình 3M-54E có khả năng tăng tốc độ lên Mach 3,0 trong giai đoạn cuối của đường bay, và vượt qua hệ thống phòng không của bất kì hạm tàu mặt nước nào hiện nay.

Một ví dụ khác là hệ thống 91RE1, với ngư lôi tự dẫn có thể tấn công tàu ngầm ở cự li 40-50km. Các tên lửa hành trình 3M-14E được thiết kế để tấn công mục tiêu mặt đất có khả năng phá hủy bất cứ công trình ven biển nào trong tầm bắn.

Hệ thống Klub-S được trang bị cho các tàu ngầm lớp Amur mới nhất của Nga. Ấn Độ cũng có thể sẽ trang bị các tên lửa diệt hạm Brahmos cho tàu chiến. Thiết kế module cho phép các quốc gia có thể sỡ hữu tàu chiến với giá rẻ mà không kém phần uy lực.

Trở lại Ấn Độ

Sự tiến bộ của thiết kế tàu, tên lửa hải quân của Nga thể hiện rất rõ nét trên thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế. Ấn Độ - quốc gia từng là nước nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất - những năm gần đây lại chuyển dần sang mua vũ khí phương Tây đã bất ngờ đề nghị Nga cung cấp 2 tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Amur.

Defence News ghi nhận rằng: "Ấn Độ đã phá vỡ tiền lệ và yêu cầu nghiêm ngặt của luật pháp nước này để mua sắm vũ khí mà không dựa trên cơ sở đấu thầu". Theo trang tin này, hành động này thể hiện Ấn Độ đang rất cần các công nghệ từ Nga.
img 

Tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Amur 1650.

Hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch mua 6 chiếc tàu ngầm mới thuộc Project 75I. Chương trình đóng tàu vì một số lí do đã chậm hơn 4 năm so với kế hoạch. Dự kiến chiếc đầu tiên trong 6 tàu ngầm sẽ gia nhập biên chế trong năm nay.

Theo chuyên gia đã nghỉ hưu của Ấn Độ, Thuyền trưởng Shyam Kumar Singh, sự chậm trễ của việc đóng tàu ngầm Project 75I cùng với sự trì hoãn trong việc giao hàng của các tàu ngầm Scorpene (Pháp sản xuất) đã dẫn đến việc năng lực tàu ngầm Hải quân Ấn Độ suy giảm nghiêm trọng.

Theo ý kiến của thuyền trưởng Singh, sự thiếu hụt này đã dẫn đến việc khởi động những cuộc đàm phán trực tiếp với Nga. Ông tin rằng ngay cả khi cuộc đấu thầu sẽ diễn ra trong tương lai gần, cũng sẽ mất hơn 10 năm để là tàu ngầm đầu tiên được bàn giao. Trong 10 năm đó, công nghệ kĩ thuật và vũ khí hải quân sẽ tiến những bước dài, Hải quân Ấn Độ sẽ “hụt hơi” trên chặng đường hiện đại hóa. Lúc này Nga là nước duy nhất có khả năng không chỉ cung cấp tàu ngầm một cách nhanh chóng, mà còn tính đến yêu cầu của khách hàng cho các loại vũ khí mới nhất.
(Theo Kiến thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem