Ngấm đòn Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc sụt giảm nghiêm trọng

Văn Dũng Thứ ba, ngày 05/05/2020 12:00 PM (GMT+7)
Kết thúc quý 1 với nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh sụt giảm bới dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong những quý tiếp theo.
Bình luận 0

“Ngấm đòn” Covid-19, nhiều doanh nghiệp báo lỗ

Kết thúc quý 1, nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 vì không thể mở bán dự án, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải thông báo giải thể.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 người mua nhà bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, dẫn đến có khoảng 10% người mua nhà phải thanh lý hợp đồng. Điều này càng tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp bất động sản, lợi nhuận trong quý I của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. 

img

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong những quý tiếp theo của năm 2020. Ảnh: V.D

Như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), báo cáo tài chính quý 1 cho thấy, doanh thu chỉ đạt 602 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 67,5 tỷ đồng, giảm gần 240 tỷ đồng so với con số 307 tỷ đồng của quý 1/2019.

Tương tự, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 năm nay với doanh thu thuần và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 1 đạt gần 270 tỷ đồng, giảm 30% so quý 1/2019. Trong đó, doanh thu hoạt động môi giới bất động sản giảm 29%, xuống 221 tỷ đồng; doanh thu đầu tư bất động sản giảm 11%, xuống 46 tỷ đồng. Quý 1, công ty đạt 42,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của công ty đạt 2.664 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả giảm 5% về hơn 743 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi trở lại

Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm lãi của các doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup nhìn nhận, Cenland (thành viên của CenGroup) và một số doanh nghiệp giảm lãi, điều này mặc dù không đạt được như kế hoạch và cùng kỳ năm ngoái nhưng kết quả vẫn dương.

Ông Hưng nhận định nguyên nhân là do ở lĩnh vực bất động sản, khách hàng thực hiện giãn cách xã hội và tâm lý giữ tiền chờ đợi khi hết dịch giá nhà đất sẽ rẻ hơn để “bắt đáy”, đã dẫn đến giao dịch bị giảm. 

Hơn nữa, nguồn cung mới ra hạn chế, hiện nay sản phẩm bán chủ yếu đến từ các dự án đã thực hiện từ trước nên không có hàng để bán. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, do chỉ thị giãn cách xã hội nên tất cả các công trình, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không được ra vào các dự án để triển khai công việc. Dù tiến độ xây dựng chậm vài tháng sẽ không dẫn đến vấn đề gì nghiêm trọng nhưng vài tháng nữa thị trường có thể sẽ thiếu cung. 

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) cho hay, thời gian vừa qua thị trường bất động sản Việt Nam không phải không có nhu cầu mà nguồn cung không có. Rất nhiều công ty xây dựng phải cách ly xã hội không có người lao động làm việc, nhà cung ứng nguyên vật liệu cũng dừng làm việc, nhiều công ty xây dựng mất tính thanh khoản, thanh toán cho nhà thầu rất khó khăn. Do đó, nguồn cung không đáp ứng được khiến cho việc kinh doanh bất động sản cũng gặp trở ngại lớn.

Trước việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng sụt giảm lợi nhuận kinh doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng mong muốn các doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói chính sách kích cầu của Chính phủ như được giãn thuế, có chương trình cho các doanh nghiệp này vay, đặc biệt là các công ty xây dựng và những công ty sản xuất vật liệu xây dựng… 

“Mặc dù ngành bất động sản nói chung không bị tác động mạnh như du lịch, hàng không, nhưng triển vọng không khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Trong những quý tới, kinh doanh và đầu tư bất động sản cần cẩn trọng và đến cuối năm nếu thị trường vẫn trì trệ thì cần có các chính sách quyết liệt và các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ để chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy”, TS. Hiếu nhận định.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. 

Cùng với việc duy trì thị trường phát triển ổn định, các cơ chế chính sách pháp luật cũng cơ bản được hoàn thiện, có hiệu lực và gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Theo đó, số lượng dự án ngày càng nhiều, quy mô dự án lớn tăng cao, sản phẩm bất động sản ngày càng đa dạng phong phú. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem