Ngân hàng ACB: Dự tính chi 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông năm 2021

Quốc Hải Thứ ba, ngày 06/04/2021 13:47 PM (GMT+7)
Dự kiến, sau khi trích lập các quỹ cho năm 2021, ACB sẽ còn hơn 7.009 tỷ đồng và sẽ dùng khoảng 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2021, với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu…
Bình luận 0

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) diễn ra sáng nay, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ (quý I/2020, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.925 tỷ đồng). 

ACB dự tính chi 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông năm 2021  - Ảnh 1.

Quý 1/2021, ACB dự kiến đạt lợi nhuận lên tới 3.105 tỷ đồng (Ảnh: ACB)

Tổng tài sản tính đến 5/4 đạt khoảng 447.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Tín dụng ghi nhận 320.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%. Lượng vốn huy động khoảng 352.000 tỷ đồng và khá cân bằng với hoạt động cho vay.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện dưới 0,7%, do đó đáp ứng yêu cầu dưới 1%. Ngân hàng chủ động đánh giá và phân loại nợ để đảm bảo an toàn tài chính.

Tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức 25%

Tại Đại hội, ACB đã trình cổ đông thông qua tỷ lệ cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu, mục đích tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng. Cụ thể, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31/12/2020.

Với vốn điều lệ hiện tại gần 21.616 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên 27.019 tỷ đồng.

"Việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với Ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đều tư các dự án chiến lược trong giai đoạn 5 năm 2019 – 2024", HĐQT ACB, giải thích.

ACB dự tính chi 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông năm 2021  - Ảnh 2.

Dự kiến tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài sau khi tăng vốn

Như vậy, sau khi tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6,92%. Các cổ đông còn lại là một số quỹ ngoại như: Whistler Investments Limited (4,99%); Sather Gate Investments Limited (4,99%); Estes Investments Limited (4,15%)… Tuy nhiên, room ngoại tại ACB đã được lấp đầy ở mức tối đa 30% theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP.

Về kế hoạch năm 2021, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9%, tín dụng tăng 9,5%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Cụ thể, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2021 đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10%. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến duy trì 25% bằng cổ phiếu.

"Kế hoạch đặt ra là 10.602 tỷ đồng nhưng ngay trong quý 1 ACB đã ước đạt lợi nhuận 3.105 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch", ông Đỗ Minh Toàn cho hay.

Không thoái vốn khỏi công ty chứng khoán, tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ

Tại đại hội, nhiều cổ đông quan tâm đến việc ACB liệu có thoái vốn khỏi Công ty Chứng khoán ACBS hay không? Trả lời vấn đề này, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, cho hay: Với ACBS, ACB khẳng định không thoái vốn và Ngân hàng đang tìm thêm đối tác để hợp tác chiến lược.

"ACBS tăng vốn cũng phải đem lại hiệu quả cho cổ đông, nên ACB cũng phải cân nhắc kỹ vấn đề này. ACB tìm kiếm đối tác chiến lược để tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông ACBS", ông Trần Hùng Huy khẳng định.

Liên quan đến việc nhà băng này "thắng lớn" trong năm 2020 nhờ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, ông Đỗ Minh Toàn cho hay, trong tháng 4/2020, ACB đã tận dụng được cơ hội đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thu về 700 tỷ đồng.

Hiện tại, ACB là một trong những ngân hàng đang nắm lượng trái phiếu chính phủ lớn, khoảng 6.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACB cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư này.

Riêng với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, CEO ACB cho hay,  chủ trương của ACB là tập đẩy mạnh bán lẻ, do đó ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, thay vì tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp.

"Lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp là lĩnh vực khá rủi ro, cộng thêm NHNN cũng đưa ra cảnh báo về việc kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực có rủi ro, nhất là với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, HĐQT ACB cũng sẽ xem xét và không loại trừ tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực này khi thị trường thuận lợi", ông Toàn chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem