Ngân hàng cần “soi” hiệu quả, đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 7 -10% GDP

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 05/12/2021 13:38 PM (GMT+7)
“Ngân hàng cần xem xét đến việc phân bổ và quản lý chi phí, quản lý hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng một cách hiệu quả hơn. Bởi gốc của lãi suất vẫn từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, đây là mối quan hệ nhân quả, mang bản chất kinh tế”.
Bình luận 0

Đó là ý kiến được TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đưa ra trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.

Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực". Con số này tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020.

Cụ thể, trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch Covid-19 "phần lớn là tiêu cực". Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định dịch Covid-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" lên tới 34%, cao đáng kể so với mức 15% của khảo sát năm 2020. Khảo sát tháng 9/2021 cũng ghi nhận chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch và chưa đến 2% doanh nghiệp cho biết nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Đề nghị ngân hàng “soi” lại hiệu quả kinh doanh, cần gói hỗ trợ lãi suất khoảng 7 -10% GDP - Ảnh 1.

\Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: DT)

Muốn được giảm sâu lãi suất, đề nghị ngân hàng "soi" lại hiệu quả kinh doanh

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhìn nhận, quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Qua khảo sát chỉ có khoảng 38% đến 45% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng DNNVV chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị DN, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch….

Vì thế, thời gian qua đã có hàng chục nghìn DNNVV phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Từ thực tế kể trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các NHTM là một trong những nút thắt cần được tháo gỡ để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo đảm tiền vay - yếu tố quan trọng trong quan hệ vay mượn.

"Về lý thuyết, các (ngân hàng thương mại) NHTM chỉ yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải có tài sản bảo đảm khi DN chưa có uy tín với TCTD, thông tin chưa minh bạch…Nhưng trên thực tế, rất ít DNNVV đáp ứng được các yêu cầu của NHTM đưa ra, vì thế để giảm rủi ro trong cho vay, các NHTM yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Khắc phục điểm nghẽn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Từ thực tế cho thấy, chúng tôi kiến nghị Quỹ bão lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ", ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, trong kinh doanh chấp nhận rủi ro đến mức nào là vấn đề rất quan trọng. Khi DN vẫn khó khăn tiếp cận tín dụng do rào cản tài sản bảo đảm tiền vay, thì việc xem xét khẩu vị rủi ro tại mỗi NHTM sao cho hợp lý hơn với thực trạng các DNNVV cũng sẽ là một trong những biện pháp giúp DN tiếp cận vốn tín dụng thành công.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để DN vay được vốn.

Vì thế cần rà soát lại điều kiện DN được bảo lãnh theo hướng "thoáng" hơn điều kiện vay vốn từ NHTM, phối hợp với NHTM tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho DN vay vốn, đảm bảo rằng DN được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho NHTM. Có như vậy Quỹ bảo lãnh DNNVV mới đúng nghĩa là cầu nối để DN nâng cao khả năng vay vốn không có tài sản thế chấp tại các NHTM.

Đề nghị ngân hàng “soi” lại hiệu quả kinh doanh, cần gói hỗ trợ lãi suất khoảng 7 -10% GDP - Ảnh 3.

Đề xuất giảm sâu lãi suất cho vay với DN. (Ảnh: Baodautu)

Về lãi suất ngân hàng, theo ông Hùng, tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.

"Ở đây không chỉ đơn thuần là kêu gọi sự chia sẻ của các NHTM với DN, mà NHTM cần xem xét đến việc phân bổ và quản lý chi phí, quản lý hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng một cách hiệu quả hơn. Bởi gốc của lãi suất ngân hàng vẫn từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, đây là mối quan hệ nhân quả, mang bản chất kinh tế. Chính sách lãi suất cả giai đoạn (6 tháng, hay cả năm) phải là dương, nhưng nền kinh tế có biểu hiện trì trệ, đình đốn, DN nói chung, DNNVV nói riêng dừng hoạt động, phá sản, thất nghiệp gia tăng, thì chính sách lãi suất cần phải được vận dụng linh hoạt hơn để nắn dòng đầu tư xã hội vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát dòng tiền đầu tư vào chứng khoán (những ngày vừa qua TTCK Việt Nam vượt mốc 1500 điểm cũng cần soi kỹ các dòng vốn đổ vào) . Mặt khác, trong điều kiện cầu tín dụng còn yếu, thì việc giảm sâu hơn đầu ra cũng là việc nên tính đến để hỗ trợ vốn, giảm chi phí tài chính cho DN", Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị.

Đề xuất gói hỗ trợ lãi suất khoảng 7 -10% GDP

Cũng theo ông Hùng, cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp DN phục hồi và phát triển. Theo đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV. Với quan điểm DN có tồn tại và phát triển thì người lao động mới có việc làm, do đó rất cần gói hỗ trợ này.

Đề nghị ngân hàng “soi” lại hiệu quả kinh doanh, cần gói hỗ trợ lãi suất khoảng 7 -10% GDP - Ảnh 4.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP) để hỗ trợ DNNVV. (Ảnh: LT)

Để hạn chế tới mức tối đa những sai lầm do thực hiện gói hỗ trợ lãi suất như năm 2008 gây ra, không để các DN lợi dụng kẽ hở của chính sách, vị này lưu ý lãi suất hỗ trợ không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các NHTM; Đánh giá đúng thực lực của DN từng ngành, từng lĩnh vực có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế (dịch vụ: du lịch, giao thông, nghệ thuật, ăn uống, vui chơi, y tế cộng đồng…; DN khởi nghiệp sáng tạo; những DN tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia…) để có hướng hỗ trợ và phân bổ nguồn lực vào ngành đó, khu vực đó.

Ngoài ra, để DN nhận được vốn từ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng các NHTM không thể giảm thấp điều kiện cho vay, rất cần kiến nghị với Chính phủ ban hành một quy định đặc thù để triển khai gói hỗ trợ lãi suất này một cách hợp lý và hiệu quả. Khi một lượng vốn lớn được đưa ra lưu thông, cần chú ý đến việc kiểm soát lạm phát. Phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế khác trong việc bơm và hút tiền, để kinh tế vĩ mô ổn định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem