Ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2025
Lãnh đạo TPBank chia sẻ, đây không chỉ là một khởi đầu tích cực, mà còn là tín hiệu cho thấy TPBank đang đi đúng hướng trong chiến lược tăng trưởng bền vững khi lợi nhuận tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tiếp tục duy trì ở mức cao 17,5%, phản ánh hiệu quả kinh doanh tốt và bền vững của TPBank.
Giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng
Theo thông tin từ TPBank, tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý I đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng.
Thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục là điểm sáng khi đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.
Điều này minh chứng rõ nét cho chiến lược kinh doanh giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng của TPBank đang phát huy hiệu quả. Ngân hàng chủ động mở rộng các dịch vụ phi tín dụng như ngân hàng số, thẻ tín dụng, thanh toán điện tử, quản lý tài chính cá nhân,… nhằm đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tăng tính bền vững trong kinh doanh.
Song song quá trình mở rộng dịch vụ, TPBank gia tăng hàm lượng công nghệ trong mọi sản phẩm tài chính, giúp
nâng cao trải nghiệm người dùng và gia tăng mức độ trung thành của khách hàng.
Năm 2024, ngân hàng đã có thêm hàng triệu khách hàng mới. Nhờ cơ sở khách
hàng lớn mà TPBank có được nguồn vốn CASA trên 20%, giúp giảm thấp chi phí vốn
và tăng hiệu quả kinh doanh.
Huy động và tín dụng tăng trưởng khả quan
Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024.
Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3). Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh ngành ngân hàng mới bắt đầu phục hồi tín dụng.
Đại diện TPBank cho biết, bên cạnh mảng cho
vay cá nhân, nhà băng này tập trung vào các ngành trọng yếu, ưu tiên cấp tín dụng
cho các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với định hướng của Chính phủ và
NHNN. Dư nợ tín dụng năm 2025 được kỳ vọng tăng khoảng 20%-25%, phù hợp với
hạn mức được NHNN cho phép.
Kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I là bước chạy đà tự tin để hướng tới mục tiêu khá thách thức mà TPBank đặt ra cho cả năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động khò lường.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán VCBS, tất cả các ngân hàng trong danh sách theo dõi đều được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2025.
Nổi bật là Sacombank, Techcombank với mức tăng ấn tượng 25%, dự kiến lần lượt đạt 3.326 tỷ đồng và 9.752 tỷ đồng trong quý I/2025. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng mạnh như: MB tăng 22%, VietinBank tăng 20%, MSB tăng 17%, BIDV tăng 16%, HDBank và VIB cùng tăng 15% và VPBank tăng 10%.
ACB và TPBank lần lượt được dự báo tăng 5% và 8%.
Các chuyên gia của VCBS dự báo, biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2025, nhờ triển vọng tăng trưởng tín dụng tích cực, đặc biệt tại các ngân hàng như VIB, Techcombank, MB, HDBank và VPBank. Ngoài ra, một số ngân hàng như MSB và Sacombank được kỳ vọng sẽ ghi nhận thu nhập đột biến từ hoạt động thu hồi nợ xấu.