Ngân hàng lãi khủng, DN xin giảm mạnh lãi suất: Chuyên gia nói “không phải là bài toán thông minh”

07/07/2021 15:45 GMT+7
Trong khi mỗi ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì “kiệt sức”, thì ngân hàng vẫn báo lãi lớn, tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để “cứu” doanh nghiệp.

Ngân hàng lần lượt lãi đậm nửa đầu năm

Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với tổng thu nhập hoạt động tăng 27,74% so với cùng kỳ 2020, đạt 6.233 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế bán niên của ngân hàng đạt hơn 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm.

Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng của TPBank hầu như đã gần về đích cả năm. Đơn cử như, tổng tài sản đạt hơn 242.000 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng cho cả năm.

Tổng huy động vốn cũng tương đương 98,3% kế hoạch năm, đạt hơn 217.000 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cuối năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép, đạt khoảng 11% trong nửa đầu năm.

Ngân hàng lãi khủng, DN xin giảm mạnh lãi suất: Chuyên gia nói “không phải là bài toán thông minh” - Ảnh 1.

Các ngân hàng lần lượt công bố kết quả lợi nhuận quý II/2021. (Ảnh: NLD)

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm VietinBank cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, theo ước tính của nhà băng này, lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

So với con số 16.800 tỷ đồng dự kiến đưa ra hồi đầu năm, VietinBank đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch, dù mới đi qua nửa chặng đường.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo, trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm. Trong đó, riêng quý I vừa qua, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.150 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Tương tự, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Trong một báo cáo phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng trong quý II/2021 và các quý tới sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ biên lãi ròng (NIM) được cải thiện; tăng trưởng tín dụng cao trong khi chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp.

Mặt khác, thu nhập phí của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt nhờ Bancassurance tiếp tục tăng trưởng và các ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận phí trả trước, đặc biệt khả năng một số ngân hàng sẽ tái đàm phán khoản phí trả trước.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, với mức tăng dự báo là 27%, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát.

Ngân hàng "cứu" doanh nghiệp: Giảm lãi suất không phải bài toán thông minh?

Lợi nhuận khả quan, nhiều ngân hàng đã tiếp tục công bố các gói, chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định, duy trì hoạt động sản xuất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn kỳ vọng các ngân hàng hỗ trợ mạnh hơn nữa trong giai đoạn khó khăn này, trong đó không ít doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được vay vốn ở ngưỡng thấp, thậm chí 0%.

Ngân hàng lãi khủng, DN xin giảm mạnh lãi suất: Chuyên gia nói “không phải là bài toán thông minh” - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn được ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay. (Ảnh minh họa: LT)

Chẳng hạn như trong lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) cho hay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Bởi từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu là đăng ký làm cơ sở cách ly. Tình cảnh của hầu hết doanh nghiệp du lịch rất bi đát.

"Với tình hình hiện tại, các doanh nhân là chủ công ty du lịch đều có khả năng biến thành con nợ. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 tiếp cận vốn vay không lãi suất, được khoanh nợ, giảm lãi với khoản vay hiện hữu", ông Vinh đề xuất.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu của doanh nghiệp giảm rất mạnh. Đồng thời, hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, điều chỉnh thời gian trả nợ...

"Cả năm 2019, 2020 và đầu 2021, một số ngân hàng lãi rất lớn, đặc biệt là Vietcombank, Vietinbank, trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang trì trệ, thì có phản cảm không? Chính sách tiền tệ có vấn đề hay không? Đâu là vai trò của nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi vì doanh nghiệp chết thì ngân hàng lấy gì mà sống, thu ngân sách ở đâu?", ông Sinh đặt câu hỏi.

Trước quan điểm cho rằng, ngân hàng đang lãi khủng cần hy sinh lợi nhuận để giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ, bởi vì vào cuối năm các ngân hàng mới trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm.

"Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỷ, để cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Tôi cho rằng đó là chính sách là khá nhân văn. Ngân hàng Nhà nước đã bàn với Bộ Tài chính 5 tháng trời để đặt vấn đề có phải trích lập dự phòng rủi ro cho số nợ này không, và câu trả lời là có, sẽ phải trích lập 40.000 - 44.000 tỷ đồng cho nợ xấu tiềm ẩn, nên số tiền này sẽ trừ đi từ lợi nhuận của hệ thống ngân hàng", ông Lực cho biết.

Cũng theo ông Lực, "hiện lãi suất không phải là điểm nghẽn" của doanh nghiệp. Bởi chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẽ dẫn tới các 2 hệ lụy đó là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh.

"Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư, vì không có đầu ra. Họ sẽ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, và 5 năm nữa chúng ta sẽ chịu hệ lụy. Một số doanh nghiệp đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A - vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%/năm, là ngồi mát ăn bát vàng. Vì vậy, giảm lãi suất không phải là bài toán thông minh", ông Lực nhấn mạnh.

H.Anh
Cùng chuyên mục