Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp gặp khó: Thống đốc "lý giải" thế nào?

05/05/2023 08:47 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lên tiếng "giải thích" về thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao.

Cụ thể, tại báo cáo được Ngân hàng Nhà nước gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội phục vụ cho kỳ họp trong tháng 5 này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nên ROA và ROE của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.

Về cơ cấu thu nhập của các TCTD, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các TCTD (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các TCTD. Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số TCTD.

Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp gặp khó: Thống đốc "lý giải" thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Trên thực tế, trong những năm trở lại đây thậm chí là hai năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song nhiều ngân hàng vẫn báo lãi kỷ lục bất chấp doanh nghiệp gặp khó.

Chẳng hạn như năm 2022, hơn 20 ngân hàng báo lãi ở mức kỷ lục và toàn ngành làm ra hơn 11,5 tỷ USD (khoảng 265.000 tỷ đồng) lợi nhuận nhờ tín dụng tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng. Trong đó, 7 cái tên đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VPBank, VietinBank và Agribank.

Nhiều nhà băng có mức tăng trưởng cao trên 40% có thể kể đến như ACB (43%), VPBank (48%), SeABank (55%),LienVietPostBank (56%) hay BIDV (70%). Thậm chí như Eximbank còn ghi nhận mức tăng trưởng về lợi nhuận lên tới 200%.

Trong quý I/2023, thống kê báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã lên sàn cũng cho thấy, số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý I/2023 vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo (19 ngân hàng), với tốc độ tăng từ 2,7% - 74% so với cùng kỳ.

Trong đó, VietBank là nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất (74,3%), từ 113 tỷ đồng lên 197 tỷ đồng.

Đứng vị trí thứ 2 về tốc độ tăng là Kienlongbank với 59,1%. Với mức tăng này, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 202 tỷ đồng trong quý này.

Vị trí thứ 3 và BIDV với hơn 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm so với 3 tháng đầu năm 2022.

Sacombank ghi nhận mức tăng trưởng 50% về lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023, tương ứng "có thêm" 794 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng hiện có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 con số còn có: Vietcombank (12,8%); MBBank (10,2%); ACB (25,3%); SHB (12,2%); VIB (18,2%); OCB (17,6%); Bắc Á Bank (36,2%); PG Bank (20,5%).

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế của gần 30 ngân hàng được thống kê sụt giảm gần 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Đánh giá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay, chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng. Cụ thể, VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%; còn Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ khoảng 10% và có sự phân hóa mạnh ở các ngân hàng.



H.Anh
Cùng chuyên mục