Ngân hàng "mắc kẹt" với tài sản bảo đảm, cơ quan thẩm quyền “bình tĩnh” trước sai phạm?

Nguyễn Hiền Thứ ba, ngày 15/02/2022 09:15 AM (GMT+7)
Trong khi tài sản đảm bảo có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, cần có phương án xử lý cụ thể, kịp thời thì cơ quan chức năng huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn lần lữa chưa xử lý dứt điểm. Vụ việc kéo dài đến nay khiến tổ chức tín dụng đối mặt với nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngân hàng có nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến hoạt động mua bán nợ của ngân hàng diễn ra cấp tập, trong đó có nhiều món hàng đại hạ giá được rao đi bán lại nhiều lần nhưng vẫn không có khách mua. Bên cạnh đó cũng có nhiều tài sản bảo đảm (TSBĐ) do vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không còn khả năng thanh toán nên đã được ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Công ty quản lý tài sản VAMC mới đây cũng cho biết, việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng từ tháng 6 để phòng chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, nhất là đối với các khách hàng, tài sản và tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành phía Nam.

Chia sẻ với Dân Việt, đại diện PVcomBank cho biết: Ngân hàng đang "ngồi trên đống lửa" với món tài sản đảm tại Quảng Trị khi ngân hàng khởi kiện ra tòa nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vụ việc kéo dài đến nay khiến tổ chức tín dụng đối mặt với nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng, nhất là khi ngân hàng lại có tới hơn 50% vốn cổ phần của Nhà nước.

Ngân hàng "mắc kẹt" với tài sản bảo đảm, cơ quan thẩm quyền “bình tĩnh” trước sai phạm? - Ảnh 1.

Nhà xưởng xuống cấp nghiệm trọng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ngày 10/5/2017, Công ty TNHH Sikar (địa chỉ tại Km 780, Quốc lộ 1A, Thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã vay vốn tại PVcomBank chi nhánh Đông Đô (Huế) theo Hợp đồng tín dụng số 0405/2017/HĐHM-DN.HUE với tài sản bảo đảm cho khoản vay là nhà xưởng và các hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất tại nhà máy. Đây là hợp đồng tái cấp hạn mức trên cơ sở HĐTD số 01/2016/HĐHM/PVB-CNĐĐ ngày 03/02/2016 của PVcomBank Đông Đô). 

Tính đến ngày 26/7/2021, Sikar còn phải trả cho PVcomBank tổng số tiền gần 22,86 tỷ đồng trong đó gồm nợ gốc là 14 tỷ đồng và nợ lãi gần 8,86 tỷ đồng. Đến tháng 5/2018, do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không còn khả năng thanh toán nên PVcomBank đã khởi kiện và được Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng thụ lý, giải quyết (theo TB thụ lý số 02/TB-TLVA ngày 21/5/2018). Tuy nhiên, vụ việc đã bị đình chỉ do Sikar có Đơn đề nghị mở thủ tục phá sản doanh nghiệp được Tòa án thụ lý. Vụ việc phá sản được Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng giao DNTN QL&TLTS Quảng Trị là đơn vị/quản tài viên xử lý vụ việc.

Quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục phá sản, quản tài viên (có sự tham gia của PVcomBank) đã kiểm kê và phát hiện một số TSBĐ tại nhà máy của PVcomBank có dấu hiệu bị thay đổi hiện trạng so với thời điểm thế chấp. Cho đến ngày 21/01/2020, TAND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Hải Lăng xem xét yếu tố hình sự trong vụ án phá sản "vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả" đối với ông Trần Hữu Bằng – Giám đốc Công ty Sikar. 

Sau khi tiếp nhận, VKSND huyện Hải Lăng đã chuyển hồ sơ sang Công an Hải Lăng để điều tra dấu hiệu hình sự. Thế nhưng, vụ việc vẫn đang dừng ở đó, cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Đề cập tới món nợ khó đòi này, đại diện PVcomBank cho biết, ngân hàng đã chịu nhiều thiệt hại cho các chi phí: bảo vệ tài sản, trông giữ tài sản… 

Chỉ tính riêng từ 1/9/2017 - 16/10/2018 (thời điểm bàn giao cho quản tài viên quản lý), PVcomBank đã phải trả hơn 321 triệu đồng cho đối tác để bảo vệ TSBĐ. Còn tính từ ngày 10/11/2020 - 9/6/2021, ngân hàng phải bỏ ra số tiền 84 triệu đồng nhằm thuê đối tác bảo vệ TSBĐ riêng. Đồng thời, do quá trình giải quyết vụ việc bị kéo dài khiến giá trị TSBĐ có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng và do không có đơn vị đầu mối thực hiện công tác bảo vệ tài sản, PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án, quản trị viên, Viện Kiểm soát, các cơ quan cảnh sát điều tra đẩy nhanh quá trình giải quyết và thống nhất phương án bảo vệ, xử lý các TSBĐ tại Nhà máy nhưng đến nay vẫn không nhận được ý kiến phản hồi. 

Ngân hàng "mắc kẹt" với tài sản bảo đảm, cơ quan thẩm quyền “bình tĩnh” trước sai phạm? - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất dừng hoạt động.

Việc quá trình xử lý bị kéo dài từ tháng 5/2018 đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đã khiến các TSBĐ của PVcomBank tại Công ty Sikar xuống cấp nghiêm trọng. Việc này có thể khiến ngân hàng có thể không thu hồi được bất kỳ khoản nợ nào của Sikar.

Có hay không khả năng thu hồi nợ của PVcomBank?

Trao đổi với Dân Việt về món nợ của PVcomBank tại Hải Lăng (Quảng Trị), Luật sư Nguyễn Xuân Sang - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến vụ việc bị kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trước hết là việc Công ty TNHH Sikar không hợp tác trong việc xử lý nợ với ngân hàng qua việc yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng đã tiếp nhận xử lý yêu cầu mở thủ tục phá sản, đình chỉ giải quyết vụ khởi kiện thu hồi nợ của ngân hàng. Quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản bị kéo dài dẫn đến khoản nợ của ngân hàng bị chậm thu hồi.

"Qua theo dõi vụ việc, chúng tôi thấy rằng, trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, PVcomBank đã có đề nghị Tòa án xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm nhưng không được Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng tiếp nhận giải quyết. Trên cơ sở kết quả kiểm kê của Quản tài viên, nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng đã chuyển vụ việc cho Viện Kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Huyện Hải Lăng xác minh điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hình sự, tuy nhiên các cơ quan này đã và đang thực hiện công việc kéo dài đến hơn 1 năm là đã quá thời hạn quy định về xác minh, giải quyết tin tố giác tội phạm theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc này gây khó khăn cho ngân hàng thu hồi khoản nợ xấu", vị luật sư phân tích.

Ngân hàng "mắc kẹt" với tài sản bảo đảm, cơ quan thẩm quyền “bình tĩnh” trước sai phạm? - Ảnh 3.

Hình ảnh công ty - tài sản đảm bảo thế chấp vay vốn bị bỏ hoang. (Ảnh: N.H)

Đại diện PVcomBank cho hay, với hiện trạng các TSBĐ tại Nhà máy Sikar không có đơn vị đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm bảo vệ nên ngân hàng đã phải chủ động bỏ chi phí thuê đơn vị bảo vệ để giữ nguyên trạng tài sản, tránh mất mát thất thoát. PVcomBank đã nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án, Công ty quản lý thanh lý tài sản, Quản tài viên, Cơ quan cảnh sát điều tra thống nhất đầu mối quản lý và bảo vệ TSBĐ nhưng chưa được giải quyết cũng là khó khăn của ngân hàng.

Đánh giá về kết quả thu hồi món nợ của PVcomBank, ông Mai Xuân Thuần - Giám đốc Khối Quản lý và tái cấu trúc tài sản PVcomBank - cho rằng cần xét trên hai phương diện. Về mặt khả năng thu hồi giá trị khoản nợ: Với thực trạng vụ việc như đã nêu trên, theo đánh giá sơ bộ về hiện trạng và giá trị TSBĐ cũng như các tài sản khác của doanh nghiệp, khả năng để ngân hàng thu đủ nợ của khoản vay Công ty Sikar là rất khó khăn do TSBĐ bị xuống cấp, giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút, các tài sản khác của doanh nghiệp không có giá trị cao.

Còn về mặt thời gian và tính chủ động trong xử lý nợ: Vụ việc đã kéo dài trên 3 năm, hiện tại đang trong thẩm quyền của Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hải Lăng và mới đang ở giai đoạn xác minh, giải quyết tin tố giác tội phạm thì theo trình tự tố tụng hình sự, vụ án còn phải qua các giai đoạn Khởi tố vụ án (nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự), khởi tố bị can; Điều tra; Truy tố; Xét xử; Thi hành án nên sẽ còn mất nhiều thời gian. 

Kết quả giải quyết vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng, PVcomBank không thể chủ động để giải quyết khoản nợ như khi chưa vào giai đoạn tố tụng hình sự hoặc như tại giai đoạn tố tụng dân sự. 

Để khắc phục về mặt thời gian cũng như hiệu quả xử lý khoản nợ xấu, PVcomBank có thể kiến nghị đến Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hải Lăng và các cơ quan tiến hành tố tụng khác như Công an tỉnh Quảng Trị, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Lăng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị để đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, vụ án đang do Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hải Lăng tiếp nhận giải quyết nên căn cứ theo điều 126; 128; 129 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, theo giới luật sư, ngân hàng có thể đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khản của doanh nghiệp và các cá nhân liên quan để có phương án bảo vệ tài sản nhằm bảo đảm cho việc bồi thường, khắc phục hậu quả của vụ án. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem