Cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn: Chuyên gia nói điều gây sốc

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 13/11/2022 07:17 AM (GMT+7)
Đề xuất cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn, và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, được giới phân tích cho là thiếu khả thi. Hơn nữa, không thể hễ khó khăn lại "gõ cửa" ngân hàng.
Bình luận 0

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khối lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tập trung nhiều vào năm 2023-2024 với ước tính lên tới 790.000 tỷ, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành và tập trung nhiều ở nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Áp lực thanh toán sắp tới hạn, trong khi việc phát hành trái phiếu mới không thu hút được nhà đầu tư, có thể khiến cả hệ thống tài chính gặp rủi ro thanh khoản, tạo ra các hệ lụy tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp mọi ngành và tổng thể nền kinh tế.

Đề xuất cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn, xử lý như tín dụng đặc biệt

Trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Trong đó, Ban IV cho rằng, trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Lý do, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Chuyên gia nhìn thẳng, nói thật về đề xuất "cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn" - Ảnh 1.

Đề xuất cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn, xử lý như tín dụng đặc biệt.

Cũng theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.

Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng.

Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn. Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo.

Thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác).

Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.

"Muốn làm như vậy, phải thay đổi luật các tổ chức tín dụng, thay đổi thế nào được?

Liên quan đến đề xuất này, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đó là đề xuất không có tính khả thi. 

"Muốn làm như vậy, phải thay đổi luật các tổ chức tín dụng, thay đổi thế nào được?", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dẫn chứng kinh nghiệm của một số quốc gia khác đã thực hiện để làm bài học cho Việt Nam, ông Nghĩa cho biết tại một số quốc gia khác cho phép thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn lớn có uy tín. Tuy nhiên, nhưng bên mua lại là Ngân hàng Nhà nước, không phải là các ngân hàng thương mại.

Chẳng hạn tại Mỹ, trái phiếu của các tập đoàn lớn như GE, GM,... Ngân hàng Trung ương mua lại, sau này bán ra thị trường.

Chuyên gia nhìn thẳng, nói thật về đề xuất "cho phép ngân hàng thương mại tham gia mua lại trái phiếu sắp đến hạn" - Ảnh 3.

Để ngân hàng thương mại tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn là không phù hợp.

Đồng tình, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đây là một đề xuất thiếu thực tế, không đúng quy luật.

Theo ông Hùng, vấn đề như Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phản ánh và kiến nghị, Bộ Tài chính phải tự xử lý. Trong trường hợp này, nếu muốn cứu doanh nghiệp cần bỏ tiền ngân sách và Bộ Tài chính phải tự cân đối để thực hiện.

"Tôi phản đối đề xuất, không thể cứ khó khăn lại "gõ cửa" ngân hàng. Lấy đâu cơ chế xử lý tín dụng đặc biệt đối với trái phiếu doanh nghiệp? Hơn nữa, không thể vì cứu doanh nghiệp mà đẩy rủi ro về phía ngân hàng, không cẩn thận mất thanh khoản. Ngân hàng không tự in tiền, phải huy động vốn của dân để cho vay, ngân hàng rủi ro vậy ai bảo vệ người dân?", ông Hùng nêu quan điểm.

Đối với đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.

Ông Hùng cho rằng, vấn đề hiện nay là gỡ bằng chính sách chứ không bằng tiền.

"Gỡ bằng chính sách, tức là làm thế nào để các doanh nghiệp đi các cửa không phải tiêu cực, phải xin – cho, phải lót tay,... đó là những khoản rất tốn kém, chứ không phải gói tín dụng A hay gói tín dụng B. 

Các cơ chế, chính sách phải đồng bộ, hành lang chính sách không hoàn thiện nay đúng mai sai, ai chịu trách nhiệm, như vậy ai dám làm", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem