Ngân hàng Quân đội (MBBank): Lãi trước thuế gần 11.900 tỷ
MBBank lãi lớn nhờ hoạt động cho vay
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế của MBBank tăng 49% so với cùng kỳ. Đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận của MBBank đến từ hoạt động cho vay.
Theo đó, thu nhập lãi thuần của MBBank tăng tới 4.840 tỷ đồng (đương đương 39% so với cùng kỳ) lên 17.355 tỷ đồng. Riêng trong quý II/2022, lợi nhuận trước thuế của MBBank tăng gần 2.407 tỷ đồng nhờ hoạt động cho vay.
Các mảng kinh doanh khác của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng từ 2% - 570% trong 6 tháng đầu năm.
Trong đó, hoạt động dịch vụ lãi thuần tăng trưởng khiêm tốn nhất chỉ với 32 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ).
Tiếp theo là lãi thuần từ chứng khoán đầu tư với mức tăng 7%, mang về cho MBBank 1.073 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 60%, mang về cho MBBank 939 tỷ đồng.
Cá biệt, chứng khoán kinh doanh tăng trưởng đột biến 570%, từ 20 tỷ đồng lãi thuần lên 134 tỷ đồng.
Trong kỳ chi phí hoạt động của MBBank tăng thêm 1.567 tỷ đồng, ngược lại, chi phí dự phòng rủi ro giảm 17% (tương đương khoảng 740 tỷ đồng).
Kết quả, MBBank báo lãi trước thuế tăng 3.910 tỷ đồng, lên 11.896 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Nợ xấu "phình to", nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 123%
Đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của MBBank tăng 8%, đạt 658.274 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 14% từ 363.555 tỷ đồng lên 395.599 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ 3%, đạt 396.910 tỷ đồng.
Hoạt động cho vay tăng mạnh, cùng với đó nợ xấu của MBBank cũng "phình to" và có chiều hướng ngày càng xấu đi khi nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt.
Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2022 của ngân hàng đạt 4.975 tỷ đồng, tăng 52,3% so với đầu năm.
Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 123%, từ 819 tỷ lên 1.826 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trong tổng nợ xấu của MBBank cũng tăng từ 25% lên 37% sau 6 tháng đầu năm.
Nợ nhóm 4 (có nghi ngờ có khả năng mất vốn) cũng tăng 15%, lên 1.168 tỷ đồng. Tương tự, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tăng 38,2% lên 1.981 tỷ đồng.
Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu của MBBank cũng vọt lên trên 1% (1,2%).
Báo cáo tài chính của MBBank cũng cho thấy, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của nhà băng này trong nửa đầu năm không chỉ không giảm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước "siết" tín dụng bất động sản, thay vào đó còn tăng từ 12.632 tỷ đồng lên 18.534 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản cũng tăng từ 3.47% lên 4.46% trong tổng dư nợ cho vay của MBBank.
Tại thời điểm 30/6, ngân hàng có 16.108 nhân viên, thu nhập bình quân 37,38 triệu đồng/người/tháng.
MBB được ưu tiên tăng trưởng tín dụng 5% - 10%?
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về MBB, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, tại ĐHCĐ năm 2022, Ban lãnh đạo MBB đã chia sẻ thông tin về việc nhận tái cơ cấu một tổ chức tín dụng bắt buộc nằm trong phạm vi dưới 10% tổng tài sản của MB, lỗ lũy kế không quá 20.000 tỷ đồng.
Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, MBB sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng thêm 5-10% trong năm 2022 và các năm tới, có thể tăng khoảng 30%/năm mà vẫn đảm bảo an toàn với tỷ lệ CAR duy trì ở mức 10-11%.
Việc mở rộng cho vay bán lẻ, tài chính tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-SME) giúp MBB có mức tỷ suất sinh lời cao hơn. Bên cạnh đó, chi phí vốn sẽ tiếp tục duy trì thấp khi CASA tăng trưởng nhờ các chương trình thu hút khách hàng và phát triển ứng dụng số.
VCBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MBB đạt 21.479 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, tương đương EPS đạt 4.409 đồng/cổ phiếu.
Theo đó, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu MBB là 31.964 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thị giá của MBB mới chỉ ở mức 25.700 đồng/cp.