Ngân hàng Trung Ương Châu Âu sẽ in hàng nghìn tỷ EUR để đối phó với hệ lụy từ dịch Covid-19

19/03/2020 20:04 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB mới đây vừa tung ra kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỷ EUR để bơm thanh khoản vào nền kinh tế khi đại dịch virus corona (Covid-19) kéo theo nguy cơ suy thoái cận kề.

Phần lớn các quốc gia Châu Âu đã tuyên bố phong tỏa biên giới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến với hơn 210.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới. Dưới áp lực của các biện pháp phong tỏa, nhiều hoạt động kinh tế đang lâm vào cảnh trì trệ khi các nhà máy xem xét phương án đóng cửa và nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ cũng ngừng hoạt động. Nền kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực đồng tiền chung Châu Âu nói riêng đang đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Ngân hàng Trung Ương Châu Âu sẽ in hàng nghìn tỷ EUR để đối phó với hệ lụy từ dịch Covid-19 - Ảnh 1.

ECB sẽ mua hơn 1.000 tỷ EUR trái phiếu trong năm 2020

Dưới áp lực giảm chi phí vay cho các quốc gia để xoa dịu tác động từ đại dịch, Ngân hàng Châu Âu ECB vừa tung ra chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỷ EUR, qua đó nâng tổng giá trị gói mua trái phiếu năm 2020 lên tới 1,1 nghìn tỷ EUR.

“Những nguy cơ bất thường đòi hỏi hành động bất thường” - Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde tuyên bố trong cuộc họp chính sách tiền tệ khẩn cấp cuối ngày 18/3. “Chúng tôi quyết tâm sử dụng toàn bộ các công cụ tiềm năng trong phạm vi quyền hạn của ECB (để hỗ trợ nền kinh tế)”. Phía ECB cho biết việc mua trái phiếu sẽ được tiếp tục đến chừng nào toàn cầu vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế. “ECB đã chuẩn bị đủ nguồn lực để tăng quy mô và thời gian mua trái phiếu nếu cần thiết”.

Các quan chức khu vực đồng EUR, những người chỉ trích ECB vì những biện pháp kích thích kinh tế nhỏ giọt hồi tuần trước, đã thể hiện những động thái ủng hộ mạnh mẽ gói kích thích 750 tỷ EUR mới nhất này, dẫn đầu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras cho biết gói ngân sách mới nhất của ECB tạo điều kiện cho khoản nợ chính phủ 12 tỷ EUR của Hy Lạp đủ điều kiện bán lại, một hỗ trợ quan trọng với quốc gia có nguồn thu phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch như Hy Lạp.

Dù vậy, Ngân hàng Trung Ương Châu Âu vẫn quyết tâm giữ mức lãi suất cơ bản ở -0,5% không đổi, một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể cho rằng việc đưa lãi suất tiến sâu hơn vào lãnh thổ âm gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn là lợi ích hỗ trợ nền kinh tế. 

Gói mua trái phiếu 750 tỷ EUR được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung Ương Châu Âu khiến thị trường thất vọng vì không cắt giảm lãi suất sâu hơn như những gì hàng loạt ngân hàng trên thế giới đang thực hiện. 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED hôm 15/3 đã cắt giảm lãi suất 1%, đưa lãi suất về mức 0 lần đầu tiên kể từ năm 2015 trong nỗ lực cứu vãn nền kinh tế trì trệ vì dịch bệnh. Kèm theo đó là gói nới lỏng định lượng 700 tỷ USD cùng quyết định đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng về 0 để giảm chi phí vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận nguồn tín dụng. Dù vậy, những nỗ lực của FED dường như là chưa đủ để trấn an thị trường, khi chứng khoán Mỹ tiếp tục rớt thảm hại. Các nhà đầu tư lo sợ động thái khẩn cấp của FED là quá muộn màng để đưa nền kinh tế Mỹ khỏi bờ vực suy thoái. Nhất là khi hàng loạt nhà phân tích trên thế giới nhận định kinh tế toàn cầu hiện đã bước vào lãnh thổ suy thoái.

Theo định nghĩa của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, kinh tế toàn cầu được xem là suy thoái khi tăng trưởng GDP cả năm dưới 2,5%. Năm 2019, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2,9%.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục