Ngăn nhập sữa để cứu nông dân?

Mai Hương Thứ tư, ngày 09/09/2015 15:24 PM (GMT+7)
Trước tình trạng sữa bột nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng mạnh do giá rẻ, các cơ quan chức năng đang kiến nghị cần có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu để phát triển ngành sản xuất sữa trong nước, tránh lặp lại tình trạng nông dân nuôi bò phải đổ sữa ra đường...
Bình luận 0

“Tỷ đô”… nhập sữa

Mặc dù có lợi thế về lao động, điều kiện tự nhiên để phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm sữa là 1,098 tỷ USD (số liệu năm 2014 của Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT ngày 17.7.2015). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa tươi vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao.

img

Sữa tươi nguyên liệu chỉ bán được với giá thấp, khó tiêu thụ là tình cảnh của nhiều nông dân nuôi bò sữa hiện nay (ảnh minh họa: Một trang trại nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Sơn La).  Ảnh:   Lê Sơn

Giá sữa tươi nguyên liệu trong nước ở mức 13.000-14.000 đồng/lít trong khi đó nếu dùng sữa bột nhập khẩu để pha lại thì giá thành sản xuất sữa dạng lỏng chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/lít. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm sản lượng thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân, sử dụng sữa bột nhập khẩu sản xuất, chế biến dạng lỏng để giảm chi phí sản xuất, kiếm lợi.

Theo số liệu của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, năm 2014, sản lượng sữa dạng lỏng cả nước đạt 947 triệu lít, nhưng lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó chỉ có 367,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được đưa vào chế biến dạng lỏng. Còn lại hầu hết sữa dạng lỏng là được pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu về. Người tiêu dùng thì không phân biệt được đâu là sữa tươi sản xuất dạng lỏng và đâu là sữa bột nhập khẩu pha dạng lỏng; càng làm cho việc nhập khẩu sữa nguyện liệu về pha lại thành sữa “tiệt trùng” trở thành “thời thượng” vì đưa lại lợi nhuận lớn…

Báo cáo kết quả hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và Sữa chế biến dạng lỏng” do ông Phan Xuân Dũng-Chủ nhiệm Ủy ban ký và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng đã nhấn mạnh: “Việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu còn chiếm tỷ trọng lớn đang đi ngược lại quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam, là phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”.

Cân nhắc cấp quota nhập sữa

Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước có 74 DN sản xuất chế biến sữa với số lượng 26 nhà máy chế biến sữa. Nhưng số DN chủ động đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, quy mô công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất đến nay không nhiều. Cũng chỉ có một số ít DN đầu tư vào các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn với công nghệ tiên tiến hiện đại, như Vinamilk, TH Truemilk, Friesland Campina, Nutifood... để chủ động và đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa.

Chính vì vậy, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đề xuất “có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu để phát triển sản xuất sữa tươi trong nước; nghiên cứu thành lập cơ quan quốc gia về sữa để điều tiết các khâu trong quản lý sữa”. Đây là đề xuất rất mạnh mẽ nhằm bảo vệ người nuôi bò sữa trong nước và phát triển ngành sữa tươi nguyên liệu.

Trả lời NTNN về việc có áp dụng hạn ngạch với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu để kiểm soát hay không, ông  Trần Thanh Hải- Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương còn phải nghiên cứu xem xét, bởi nó còn phụ thuộc vào các cam kết hội nhập của Việt Nam với thế giới. Ông Hải cho rằng, “làm mọi cách để thúc đẩy sản xuất sữa trong nước tăng lên là điều đương nhiên”. Kinh nghiệm của nhiều nước cũng cho thấy, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp cấp quota nhập khẩu (hạn ngạch) cho các DN chế biến sữa. Điều kiện đi kèm là DN phải đảm bảo mua một lượng sữa nhất định trong nước thì mới được phép nhập khẩu lượng sữa tương ứng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, giải pháp này còn cần phải cân nhắc. Mấu chốt ở đây là vai trò của các DN trong việc làm thế nào phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa cũng như ngành công nghiệp chế biến sữa. Các DN cần liên kết chặt chẽ với người nông dân để đảm bảo hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu đầu vào tới đầu ra. Trong đó, DN thu mua, chế biến sữa sẽ phải hỗ trợ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. 

   Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng lượng sữa lỏng quy đổi tiêu dùng năm 2014 là 1.625,5 triệu lít/năm, bình quân mức tiêu dùng sữa lỏng quy đổi của người Việt Nam ở mức 18 lít/người/năm. Riêng với sữa dạng lỏng, lượng sữa tươi trong nước đáp ứng được 38,7% nhu cầu, số còn lại là nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên. 

Để thị trường quyết

Chúng ta hãy để cho thị trường sữa vận hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất thay vì các biện pháp hành chính. Áp hạn ngạch sữa bột nhập khẩu hay đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao với loại nguyên liệu sữa bột nhập khẩu về là xong, là cản được loại sữa này, nhưng nó có đem lại lợi ích cho sản xuất trong nước và có phù hợp với tiến trình hội nhập của ta không?

Nếu bảo để hỗ trợ cho chăn nuôi và sản xuất nguyên liệu sữa trong nước thì Nhà nước phải hỗ trợ cho nông dân chứ không nên bắt ép bằng các biện pháp hành chính. Tới đây hội nhập, thuế sữa về 0%, ta áp biện pháp hành chính với DN trong nước thì DN nước ngoài họ tha hồ cạnh tranh, ta chỉ có thua thiệt.

Giá sữa bột nguyên liệu  hiện nay đúng là đang xuống thấp khiến nông dân khó tiêu thụ sản phẩm trong nước. Do vậy tôi cho để bảo vệ nông dân nuôi bò sữa thì Nhà nước phải tính,  phải hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Tuấn Khải- Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm và đồ uống quốc tế

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem