Ngang nhiên rao bán rừng phòng hộ

Trần Thụ Thứ sáu, ngày 12/09/2014 07:09 AM (GMT+7)
Chục năm trở về trước, những cánh rừng ở tiểu khu 629 và 639 - thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân (BQL) ở tỉnh Thanh Hóa còn mướt xanh. Nhưng chỉ 2 năm gần đây khi dự án (DA) trồng cao su được triển khai, cả trăm ha rừng trở thành đồi trọc. Cây cao su thì chưa thấy trồng, nhưng đất rừng đã được người ta rao và mua bán công khai.
Bình luận 0

Rao bán đất dự án

Những ngày đầu tháng 9, phóng viên (PV) NTNN liên tục nhận được điện thoại của người dân xã Xuân Thái (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) phản ánh về việc phá rừng và mua bán đất thuộc DA trồng cao su của BQL… Để tìm hiểu rõ sự việc, trong vai người đi mua đất, chúng tôi được anh T (xin giấu tên) ở xã Xuân Thái dẫn vào thôn 6. Khoảng cách từ đường trục chính (của xã Xuân Thái) vào thôn 6 chỉ khoảng 2km nhưng phải 30 phút chúng tôi mới vào tới nơi bởi cái gọi là con đường um tùm cây cối.

Đi hết con đường, hiện ra trước mắt chúng tôi là khoảng không gian mênh mông rộng hàng chục ha rừng đã được phát quang. Ngay lối vào đã được BQL cắm biển “Rừng đặc dụng, cấm chăn thả trâu bò”. Tạt vào một nhà dân xin nước, gặp 2 người vừa trên đồi đi xuống, khi tôi hỏi dò chuyện mua đất, người đàn ông trung niên (mặc sắc phục kiểm lâm) khẳng định ngay rằng đây là khu vực đất DA nên không có việc mua bán.

Trên đường ra, chúng tôi tạt vào một nhà khác. Chờ cho gia chủ hết cơn ngủ trưa, tôi mới ngỏ lời muốn mua đất, anh này ra giá: 1ha đã trồng keo là 55 triệu đồng. “Tổng cộng tôi có xấp xỉ 5ha, nếu các anh muốn mua cứ chồng tiền là có đất”- anh này nói. Khi hỏi về thủ tục giấy tờ, anh cho hay: Đất có giá trị trong vòng 50 năm, giấy tờ viết tay vì sổ gốc do BQL giữ. Sau cuộc ngã giá đó tôi mới biết tên anh ta là Luận -người thuộc BQL.

“Ngoài việc trồng keo, anh có thể làm lán trại, nhà tạm phục vụ chăn nuôi, hết chu kỳ thu hoạch xong lại trồng keo” - Luận hướng dẫn tiếp. Vẫn theo Luận, cách đây mấy tháng, giá mỗi ha đất rừng chỉ ngoài 20 triệu, nhưng gần đây do có nhiều người hỏi mua vả lại đất cũng không có nhiều nên... sốt! Để tạo lòng tin, chúng tôi xin số điện thoại của Luận và hứa sẽ liên hệ lại sau khi về bàn bạc với… bà xã!

Thiếu thông tin  hay quan liêu?

Theo tìm hiểu của PV, hiện tượng mua bán diễn ra khá công khai, một số người dân ở huyện Nông Cống, Quảng Xương đã mua được hàng chục ha. Thậm chí, theo thông tin chúng tôi có được, một cán bộ trong ngành kiểm lâm ở huyện Như Thanh (không phải người của BQL) cũng đã mua tới vài ha.

Người dân địa phương rất bất bình vì lúc đầu BQL nói là DA trồng cao su nhưng sau gần 2 năm, khi phá hết rừng, cao su chẳng thấy đâu mà đất rừng trống hoác. Lúc này BQL lại bảo sẽ trồng keo. Mặt khác, người dân cũng tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng đất công nằm trong khu vực DA, nhưng BQL lại giao cho một số người để họ chuyển nhượng tự do thu lợi cá nhân.

Trong lúc dẫn chúng tôi đi thâm nhập thực tế, một người dân dẫn đường cho PV chỉ rõ từng khoảnh đất, vanh vách kể tên chủ những lô đất này là ai, mua thời điểm nào, giá bao nhiêu tiền?

Qua 2 năm triển khai DA, từ chỗ là rừng tự nhiên bạt ngàn, giờ đây chỉ thấy leo lét màu xanh của những cây keo mới trồng cách đây chừng hơn 1 tháng. Theo tìm hiểu của PV, Quyết định số 3372 (tháng 10.2012) của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép BQL rừng phòng hộ Như Xuân chuyển đổi 200ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Điều 2 của quyết định này nêu rõ: Sau 1 năm nếu không trồng xong cao su thì phải trồng rừng trở lại. Tuy nhiên đến thời điểm này, BQL mới trồng được trên 100ha, số còn lại được giao cho cán bộ nhân viên quản lý và chính việc này đã gây ra tình trạng mua bán sang tay đất trong DA.

Thực trạng là vậy, thế nhưng trong buổi làm việc với PV NTNN, ông Phan Ngọc Nam – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Như Thanh vẫn tỏ ra khá lạc quan khi thông tin: “Ngoài diện tích đã xuống giống, số còn lại khoảng trên dưới 80ha chúng tôi đã giao cho 20 hộ là cán bộ nhân viên của BQL tiếp tục trồng cao su”.

Trước câu hỏi của PV về việc có hay không việc chuyển nhượng đất rừng, ông Nam khẳng định... như đinh đóng cột rằng: Chúng tôi giao đất cho cán bộ nhân viên theo tinh thần Nghị định 135 của Chính phủ đối với rừng sản xuất, do đó không thể có chuyện chuyển nhượng như nhà báo nói... “Toàn bộ giấy tờ liên quan đến đất đai tại DA đều do BQL nắm, chúng vẫn thường xuyên kiểm tra do vậy không thể có chuyện mua bán mà BQL lại không biết (?)”-ông Nam khẳng định.

Trao đổi với NTNN về tình trạng trên, ông Lê Văn Đốc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho rằng: Đất DA giao cho các hộ theo Nghị định 135 nên không thể có chuyện mua bán. Tuy nhiên, ông Đốc cũng cho biết, trước các thông tin do PV cung cấp, ông sẽ cho các bộ phận liên quan kiểm tra ngay…

Đến thời điểm này, với những chứng cứ, tài liệu mà PV thu thập được, có thể khẳng định việc mua bán đất tại DA đã và đang diễn ra. Việc chuyển đổi 200ha rừng phòng hộ sang trồng cao su cũng có nhiều điều cần phải xem xét lại, và thực tế DA cũng đã không thể thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu.

Rừng có thật nghèo kiệt?

Có mặt tại tiểu khu 629 và 639, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh những cánh rừng bị đốt cháy nham nhở. Chỗ người ta chưa kịp phát vẫn âm u cây cối, hình như khu rừng này chưa đến mức độ nghèo kiệt như trong văn bản của BQL. Mang tiếng là rừng nghèo kiệt nhưng ở đây vẫn còn những gốc cây to còn trơ lại gốc sau khai thác. Một số người dân đốt than cho hay, sau khi họ lấy hết phần gỗ to, chúng tôi vẫn “mót” được khối cành ngọn cỡ bắp tay bắp chân để đốt than. “Từ sáng tới giờ chúng tôi cũng đã gom đủ 1 lò cỡ 4 khối”- một người dân cho biết.

Ngay bản đồ quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006 -2015 vẫn thể hiện: Tiểu khu 629 và 639 vẫn là rừng phòng hộ thuộc quyền BQL cai quản. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, ngày 11.8.2011, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2343, trong đó quyết định “Chuyển mục đích sử dụng từ rừng quy hoạch phòng hộ sang rừng sản xuất của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân”. Tiếp sau đó ngày 12.10.2012, tỉnh này lại có Quyết định số 3372, trong đó nêu rõ: “Chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất sang trồng cao su…”.

Khi làm việc với PV, ông Nguyễn Hữu Sang - Chủ tịch UBND xã Xuân Thái khẳng định: Khu vực nói trên là rừng tái sinh nếu cứ để nguyên như vậy thì tác dụng phòng hộ, che phủ và bảo vệ môi sinh rất hiệu quả. Xã Xuân Thái nhờ nằm trong khu vực có nhiều rừng phòng hộ nên cả 3 công trình nước sạch tự chảy do Nhà nước đầu tư hiện phát huy hiệu quả rất tốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem