Ngành chăn nuôi có dư địa lớn, tăng trưởng cao nhất ngành nông nghiệp

Minh Huệ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 29/10/2022 06:38 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho biết, những năm gần đây chăn nuôi được đánh giá là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp.
Bình luận 0
Chăn nuôi phát triển nhanh, dư địa lớn - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Ngành chăn nuôi đã thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp, và còn nhiều tiềm năng phát triển cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã thay đổi rất nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại, chất lượng. Ông có thể cho biết tiềm năng phát triển của ngành trong thời gian tới?

- Chăn nuôi được đánh giá là ngành còn nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ nhất về không gian phát triển, chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần ít diện tích hơn, nhất là 2 nhóm vật nuôi chính là lợn và gia cầm. 

Tiêu chuẩn của nuôi lợn vỗ béo theo kiểu công nghiệp được quốc tế hóa là 1 con xuất chuồng/m2, dẫn đến 1ha đất nông nghiệp nếu dành 40% để xây dựng chuồng nuôi thì trại này có thể xuất chuồng tới 8.800 con lợn thịt/năm (nuôi 2,2 lứa/năm), tạo ra 880.000 tấn thịt hơi (nếu khối lượng xuất chuồng là 100kg). Doanh thu lý thuyết là 52,8 tỷ đồng/trại/năm (với giá bán 60.000 đồng/kg lợn hơi). 

Đây là một con số kỷ lục, vượt xa so với trồng trọt tính trên cùng một diện tích đất nông nghiệp.

Chăn nuôi phát triển nhanh, dư địa lớn - Ảnh 2.

Trang trại nuôi lợn quy mô lớn của hộ dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ (TP.Cần Thơ). Ảnh: Hà Văn

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NNPTNT đã và đang triển khai một số nhóm giải pháp lớn: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi...

Thứ hai, chăn nuôi là ngành đang được nhiều tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế lớn cả trong nước lẫn nước ngoài đầu tư theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu. 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ HĐT), trong 5 năm qua đã có trên 1,1 tỷ USD từ khu vực FDI đầu tư vào 81 dự án chăn nuôi lớn. Các doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang đầu tư các dự án cực lớn vào chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi như Vinamilk, Xuân Thiện, TH, Dabaco…

Thứ ba, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng ở cả trong nước và quốc tế do tăng dân số, tăng thu nhập và đô thị hóa. Đây là cơ hội quan trọng cho phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với công nghệ cao, khép kín chuỗi giá trị để tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu về protein động vật.

Những thách thức lớn mà ngành chăn nuôi đang gặp phải là gì, thưa ông?

- Chúng ta phải thẳng thắn nhận diện những thách thức không nhỏ mà ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt trong những năm tới. Đó là chăn nuôi nước ta còn tới gần 50% sản lượng từ gần 8 triệu nông hộ, điều đó cho thấy chăn nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn và không bền vững ở cả 3 góc độ kinh tế, xã hội và môi trường.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thương mại hóa toàn cầu, chăn nuôi ở nước ta và thế giới bị tác động to lớn của nhiều loại dịch bệnh mới nổi như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… 

Những dịch bệnh này gây thiệt hại lớn về kinh tế, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh và tác động xấu đến cơ cấu việc làm, thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn tính thiếu ổn định về giá cả, thị trường. Chi phí sản xuất tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao bởi bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu.

Thực tế Việt Nam đang là một trong những nước sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều nhất trong khu vực. Nhưng như ông vừa nói, chúng ta vẫn phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

- Hàng năm, nước ta cần gần 22 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tương đương khoảng trên 33 triệu thức ăn tinh quy đổi, trong khi nước ta chỉ sản xuất được khoảng 35%, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi bối cảnh giá thức ăn thành phẩm tăng cao, thì giá bán sản phẩm chăn nuôi không ổn định đã tác động lớn đến người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô nhỏ, dẫn đến nhiều hộ gặp khó khăn, thua lỗ.

Để trả lời câu hỏi "Làm thế nào hạn chế tình trạng bị động, phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu?", là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi.

Hiện trạng nền nông nghiệp hiện nay cho thấy chúng ta chưa thể sản xuất độc lập hoàn toàn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà chỉ có thể giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Nguyên tắc của thị trường toàn cầu là chúng ta chỉ sản xuất cái gì mà chúng ta có lợi thế so sánh, song song với đó, chúng ta vẫn có chủ trương chuyển đổi nhanh đất nông nghiệp kém hiệu quả, kể cả đất lúa sang trồng cây thức ăn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng ngô hạt, ngô sinh khối, cỏ các loại làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Có cơ chế, chính sách tích tụ đất nông nghiệp đủ lớn dưới dạng hợp tác xã hoặc góp vốn bằng đất nông nghiệp của hộ nông dân để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạt giống công nghệ cao như ngô biến đổi gen, lúa biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi.

Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong thu gom, bảo quản, chế biến phụ phẩm công – nông nghiệp, đặc biệt là rơm lúa để làm thức ăn chăn nuôi, ưu tiên cho gia súc ăn cỏ và đầu tư có hệ thống vào công nghệ vi sinh, công nghệ tách chiết thực vật (ưu tiên cho rong biển và vi tảo biển), công nghệ sinh học để sản xuất một số sản phẩm thức ăn bổ sung mà nước ta có lợi thế.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem