Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ” (bài 5): Trăm thứ khó vẫn muốn làm “3 tại chỗ”

Khánh Nguyên - Trần Đáng Chủ nhật, ngày 01/08/2021 18:56 PM (GMT+7)
Đó là quyết tâm của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, trái cây ở các tỉnh phía Nam, bởi nếu họ dừng lại, chuỗi cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ bị đứt gãy.
Bình luận 0

Doanh nghiệp xin tiếp tục làm "3 tại chỗ"

Kiến nghị đến Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp đang rất "sốc" khi tỉnh Tiền Giang ra công văn tạm dừng sản xuất "3 tại chỗ".

Theo bà Khanh, khi tỉnh Tiền Giang đưa ra lệnh cấm sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp biết rằng lãnh đạo tỉnh cũng rất khó khăn khi quyết định vì đã có những doanh nghiệp "3 tại chỗ" danh sách công nhân bị dương tính với SARS-CoV-2 khá dài.

Ngành chế biến nông sản vượt dịch với... “3 tại chỗ” (bài 5): Trăm thứ khó vẫn muốn làm “3 tại chỗ” - Ảnh 1.

Bên trong một nhà máy áp dụng “3 tại chỗ” của tỉnh Long An. Ảnh: B.L.A

"Nếu tỉnh Tiền Giang tạm dừng sản xuất "3 tại chỗ" trong giai đoạn giãn cách xã hội này, đóng cửa nhà máy công nhân họ cũng không thể về quê được dù họ được xét nghiệm âm tính 100% và nếu về sẽ là mối nguy khi nguy cơ lây nhiễm cao".

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang)

Cũng theo bà Khanh, thực tế, Công ty TNHH Vạn Đức đã làm "3 tại chỗ" được 45 ngày, doanh nghiệp đã đánh giá được mối nguy, hiện có 800 công nhân đang làm "3 tại chỗ" và có thêm 400 công nhân thực hiện xét nghiệm ngày 16/7 và đều an toàn.

 "Khi làm "3 tại chỗ" chúng tôi đều xây dựng đề án, kế hoạch, có báo cáo lên CDC Tiền Giang, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang và đều được đánh giá tốt. Chúng tôi cũng giữ lực lượng này bằng cách tiêm vaccine" - bà Khanh cho biết.

"Tôi đang rất lo khi tỉnh Tiền Giang cho phép các doanh nghiệp thu xếp đến mùng 5/8 rồi mới xem xét tiếp, vậy trong thời gian xem xét doanh nghiệp chờ đợi như thế nào vì chi phí sản xuất "3 tại chỗ" đã rất tốn kém. Mong lãnh đạo tỉnh lắng nghe, thấu hiểu để chúng tôi tiếp tục được sản xuất nếu chúng tôi cam kết đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch" - bà Khanh nói.

Liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đã có báo cáo tỉnh sau khi nhận được các kiến nghị của doanh nghiệp chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu an toàn cho hoạt động tiếp.

Nhân công phải có kết quả RT-PCR âm tính

Đó là quy định của UBND huyện Châu Thành (Long An) liên quan đến việc sản xuất thanh long trên địa bàn. 

Cụ thể, huyện Châu Thành sẽ tạm dừng hoạt động các kho thanh long không đảm bảo phương thức "3 tại chỗ" và yêu cầu người lao động, thu hái, vận chuyển thanh long phải có kết quả âm tính test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm RT-PCR.

Theo ông Nguyễn Vạn Thành - Giám đốc HTX Vạn Thành (xã Hiệp Thành, huyện Châu Thành), ngày 31/7, HTX bắt tay vào sản xuất thanh long. Sau đó, cán bộ UBND xã Hiệp Thành đến yêu cầu dừng sản xuất. 

"Cán bộ xã bảo nhân công HTX phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính mới được xem xét cho làm "3 tại chỗ" - ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, trước ngày bắt tay vào sản xuất "3 tại chỗ", HTX đã cho 29 nhân công đi test nhanh virus SARS-CoV-2. 

Tất cả nhân công của HTX đều âm tính với virus SARS-Cov-2. Ông Thành cho biết thêm, kho sơ chế thanh long của HTX rộng hơn 1.000m2, nên đáp ứng việc giãn cách cho 29 nhân công làm việc.

Tỉnh Long An hiện có 154 cơ sở thu mua, chế biến thanh long, chủ yếu tập trung tại huyên Châu Thành. Ngoài ra, huyện Châu Thành còn có hơn chục HTX thu mua, sản xuất thanh long. Mỗi kho, HTX thu mua thanh long có đến hàng chục hoặc cả trăm nhân công, với các việc: Phân loại, sơ chế, đóng gói… 

Cũng theo ông Thành, việc chính quyền yêu cầu HTX phải cho nhân công xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng RT-PCR trước khi làm "3 tại chỗ" là khó khả thi. "Tôi đã gọi vài cơ sở y tế trong tỉnh để xét nghiệm RT-PCR cho nhân công của HTX. Có nơi cho biết không có chức năng. Có nơi lại bảo thời điểm này là không thể vì đang quá tải" - ông Thành thông tin.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết: Việc chính quyền yêu cầu nhân công làm thanh long phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR là rất khó cho các kho và HTX thu mua thanh long. Theo ông Trịnh, hiện ngành y tế tỉnh Long An không kham nổi việc test bằng phương pháp PCR cho nhân công làm thanh long.

Hiện nay, tại thị trấn Tầm Vu có 9 ca F0 ngoài cộng động chưa rõ nguồn lây. Chủ yếu là người làm việc trong các kho thanh long và lưu trú tại các nhà trọ trên địa bàn xã, thị trấn. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem