Ngành chế biến nông sản tìm cách vượt khó trong dịch Covid-19 với... “3 tại chỗ”

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 28/07/2021 13:40 PM (GMT+7)
Đã có những nhà máy chế biến gỗ, thủy sản phải tạm đóng cửa hoặc giảm công suất chế biến, nhưng tinh thần chung của các doanh nghiệp và công nhân vẫn là áp dụng triệt để "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, việc làm cho công nhân trong dịch.
Bình luận 0

LTS: Dịch Covid-19 đang khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản như gỗ, thủy sản, trái cây, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều công nhân nằm trong khu cách ly, phong tỏa. Chấp nhận tăng chi phí sản xuất, duy trì "3 tại chỗ", công nhân sớm được tiêm vaccine Covid-19 là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản lúc này.

Bài 1: Nỗi lo của doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản

Đã có những nhà máy chế biến gỗ, thủy sản phải tạm đóng cửa hoặc giảm công suất chế biến, nhưng tinh thần chung của các doanh nghiệp và công nhân vẫn là áp dụng triệt để "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, việc làm cho công nhân trong dịch.

Xuất khẩu thủy sản, gỗ tăng trưởng ngoạn mục

Theo Bộ NNPTNT, bất chấp những tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng vô cùng ngoạn mục nhờ sự phục hồi của các thị trường chính sau khi chiến lược tiêm vaccine của các quốc gia này phát huy hiệu quả.

Đối với ngành gỗ, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2021 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 63,2% so với tháng 6/2020. 

Tính chung trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành chế biến nông  sản vượt dịch với... “3 tại  chỗ” (bài 1): Nỗi lo của doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại doanh nghiệp Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

"Chúng tôi kiến nghị, Chính phủ, ngành chức năng tạo điều kiện cho các công nhân trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ được tiêm vaccine để duy trì chuỗi sản xuất, giữ vững vị thế của ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu rất cao này".

Ông Đỗ Xuân Lập

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong nửa đầu năm 2021, ngành gỗ tiếp tục là ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. 

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều đạt ở mức cao. Dẫn dầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 453,1 triệu USD, tăng 12,8%...

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ tới Mỹ trong nửa cuối năm 2021 có nhiều tín hiệu khả quan, nhờ các số liệu kinh tế thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt. 

Trong đó, thị trường việc làm, thị trường nhà ở tăng trưởng mạnh là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng mạnh tại Mỹ.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản cũng đang tăng trưởng khả quan. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 7,42% so với tháng 5/2021 và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2020, gần như phục hồi về trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong khi các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất bận rộn với các đơn hàng kín từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp thủy sản gần như phục hồi như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện thì tháng 7/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp.

Từ đây, một kế hoạch duy trì sản xuất sao cho an toàn với dịch bệnh, đảm bảo tiến độ bắt đầu, dù phía trước có không ít gian nan.

Doanh nghiệp đứng ngồi không yên

Một khảo sát mới đây về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ Đồng Nai cho thấy, trong số 50 doanh nghiệp thành viên tham gia khảo sát, có đến 60% doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất do công nhân bị cách ly, phong tỏa, trong khi việc bố trí sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp nhiều khó khăn.

Ngành chế biến nông  sản vượt dịch với... “3 tại  chỗ” (bài 1): Nỗi lo của doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản - Ảnh 3.

Một doanh nghiệp tại Tây Ninh bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân ngay tại nhà máy. Ảnh: Báo Tây Ninh

Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Trần Thanh Nam:

Nhiều doanh nghiệp áp dụng tốt mô hình "3 tại chỗ"

Trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản duy trì được sản xuất là vô cùng quan trọng để đảm bảo các mục tiêu mà ngành nông nghiệp đã đề ra.

Hiện, có nhiều doanh nghiệp áp dụng rất tốt mô hình "3 tại chỗ" nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu mặt bằng, do công nhân ngại đi làm trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Đơn cử, các cơ sở giết mổ, chế biến thức ăn rất khó bố trí chỗ nghỉ cho công nhân; nhiều doanh nghiệp gặp khó khi chi phí tăng vì phải xét nghiệm SARS-CoV-2 cứ 3 ngày 1 lần cho công nhân.

Chính vì vậy, để duy trì sản xuất của doanh nghiệp, không bị đứt gãy nguồn cung, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT đã đề nghị các địa phương hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, đồng thời ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân các nhà máy chế biến nông sản.

Khánh Nguyên (ghi)

Chỉ 30% trong số 50 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Hiệp hội Gỗ Đồng Nai đang duy trì sản xuất nhưng cầm chừng vì phải tổ chức giãn cách để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Được biết, Hiệp hội Gỗ Đồng Nai hiện có 138 thành viên.

Chị Nguyễn Hoài, Văn phòng Hiệp hội Gỗ Đồng Nai, người thực hiện cuộc khảo sát này cho biết, thực tế, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất vì không phải đơn vị nào cũng dễ dàng thực hiện "3 tại chỗ" vì thiếu mặt bằng, cơ sở vật chất, công nhân cũng thuộc diện cách ly, phong tỏa. 

"Điều các doanh nghiệp ngành gỗ Đồng Nai mong mỏi nhất lúc này là công nhân được tiêm vaccine càng sớm càng tốt để khôi phục sản xuất" - chị Hoài cho biết.

Tương tự như vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều lúng túng trong việc duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm công suất chế biến vì không thể bố trí được chỗ ăn, ở cho công nhân.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất "3 tại chỗ", bố trí đầy đủ chỗ ăn nghỉ, đồ dùng thiết yếu, tăng phụ cấp cho công nhân để duy trì sản xuất.

Cái khó của doanh nghiệp ngành thủy sản lúc này là nhiều công nhân lo ngại dịch bệnh đã xin phép nghỉ để về quê.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ ở các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đang vô cùng khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

"Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không có đủ nhân công vì đa phần bị cách ly, phong tỏa; việc bố trí sản xuất "3 tại chỗ" cũng gặp khó khăn do thiếu mặt bằng, cơ sở vật chất. Ngay doanh nghiệp của tôi cũng phải giảm công suất 30% do một nhà máy trong vùng phong tỏa" - ông Lập nói.

Ngành chế biến nông  sản vượt dịch với... “3 tại  chỗ” (bài 1): Nỗi lo của doanh nghiệp ngành gỗ, thủy sản - Ảnh 5.

Ông Lập cho biết, trong điều kiện khó khăn chung do tác động của tình hình dịch Covid-19, 70% doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vẫn cố gắng duy trì sản xuất bằng việc áp dụng "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", 30% còn lại buộc phải tạm dừng sản xuất.

"70% trong số các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất "3 tại chỗ" đang thực hiện khá tốt để đảm bảo sản xuất bình thường trong điều kiện dịch bệnh. Tôi cho rằng đó đã là con số khả quan" - ông Lập nói.

Ông Lập cho rằng, việc thực hiện "3 tại chỗ" đối với nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng rất khó khăn vì không phải ai cũng lường trước tình huống này để bố trí khu nghỉ dưỡng cho công nhân, trong khi các nhu yếu phẩm cho công nhân cũng khan hiếm và đắt hơn bình thường.

Đó là chưa kể, nhiều công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương đã về quê ngay khi những địa phương này bùng phát dịch nên một số nhà máy thiếu lao động.

"Bình quân chi phí tăng lên cho một công nhân khoảng 30% nhưng các doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến lợi nhuận lúc này mà chỉ cố gắng duy trì chuỗi sản xuất. Bởi thực tế, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cho ngành gỗ đang hiện hữu. Đơn cử như doanh nghiệp của tôi đang gặp khó khăn vì một doanh nghiệp cung ứng linh kiện đang phải ngừng sản xuất. Dù chỉ là một chi tiết, một linh kiện trong cánh tủ nhưng nếu không có nó cũng khiến chuỗi sản xuất lung lay" - ông Lập nêu một thực tế.

Điều ông Lập lo ngại là, nếu ngành gỗ không duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất thì nguy cơ không đáp ứng được các đơn hàng đã ký và bị mất thị phần.

"Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị, Chính phủ, ngành chức năng tạo điều kiện cho các công nhân trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ được tiêm vaccine để duy trì chuỗi sản xuất, giữ vững vị thế của ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu rất cao này" - ông Lập kiến nghị.

Ông Lập cũng hy vọng, thời gian tới, khi Chính phủ ưu tiên nguồn vaccine cho các tỉnh Đông Nam Bộ thì doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi sản xuất vì 65% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước là từ ba tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. 

"Quý III/2021 là quý cốt lõi nhất để chúng tôi chuẩn bị các đơn hàng cho Mỹ, EU phục vụ thị trường Noel và dịp cuối năm, chúng tôi hy vọng lúc đó dịch Covid-19 đã được khống chế" - ông Lập bày tỏ hy vọng. 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem