Ngành công nghiệp ô tô Nhật, Trung Quốc: mỗi bên một gánh lo
Toyota Motor công bố sản lượng toàn cầu giảm 14%, Honda Motor cũng báo cáo sản lượng thấp hơn 25% so với cùng kì năm ngoái, trong khi sản lượng Nissan giảm đến gần 30%.
Dù tình trạng đóng cửa hầu hết các nhà máy ở Trung Quốc vào tháng Hai là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng xe hơi Nhật giảm, đây không phải là nguyên nhân duy nhất.
Nissan ghi nhận sản lượng sụt giảm là do doanh số bán xe giảm mạnh toàn cầu trong năm 2019, với mức giảm 29% ở thị trường Nhật và Mỹ trong tháng 2.
Doanh số bán xe của Honda cũng giảm 14% ở Nhật và 5% ở Mỹ vào tháng 2. Tình hình có thể còn xấu hơn vào tháng 3, khi đại dịch đang bùng nổ và lây lan mạnh ở nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu buộc phải đóng cửa nhà máy của mình ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ trong tháng này để bảo vệ nhân viên trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hiện trạng đóng cửa nhà máy diện rộng có thể sẽ kéo dài đến ít nhất hết tháng 4 ở Mỹ và Châu Âu, trong khi doanh số bán xe hơi toàn cầu được dự đoán giảm mạnh theo đà suy thoái tăng trưởng kinh tế nói chung. Dù vậy, diễn biến bất thường của đại dịch khiến chuyên gia khó có thể ước tính thiệt hại cụ thể cho từng doanh nghiệp.
Tuần trước, Nissan thông báo sẽ cắt bỏ 1 ca làm việc ở các nhà máy phía Nam Nhật Bản vào tháng 4 trước khi hoãn lại toàn bộ hoạt động sản xuất vào tháng 5 do doanh thu bán xe giảm quá mạnh. Nhà máy ở Kyushu của Nissan hiện tập trung sản xuất xe hơi thể thao Rouge cho thị trường Mỹ, tuy nhiên, Nissan đang kì vọng vào nhà máy ở Trung Quốc sau khi được cho phép hoạt động trở lại vào tháng 4.
Tại thị trường Trung Quốc, doanh số bán xe cũng có khởi đầu năm 2020 không mấy sáng sủa. Tháng 2 chứng kiến cú sụt giảm 80% doanh số xe hơi khiến tổng doanh thu hai tháng đầu năm của các nhà phân phối giảm đến 42%. Thị trường xe hơi Trung Quốc được kì vọng sẽ khởi sắc sau khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau lệnh phong tỏa. Tuy nhiên tốc độ phục hồi vẫn là câu hỏi để ngỏ. Và trong bối cảnh đó, doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc nhiều nguy cơ sẽ tiếp tục giảm.
Ở giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng đại dịch, các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu lo ngại hơn về việc bảo toàn chuỗi cung ứng từ các nhà máy Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các nhà máy ở Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác như Châu Âu và Mỹ lại bị trì hoãn đáng kể do bệnh dịch lây lan mạnh. Gần 25% linh kiện xe hơi ở Trung Quốc được nhập khẩu và sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này chắc chắn tác động xấu đến ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc. Thêm vào đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang từng bước giảm mức độ tự tin tiêu thụ của người tiêu dùng, việc mua xe hơi mới trở nên tương đối xa xỉ.
Thậm chí nếu Trung Quốc có thể ngăn chặn hoàn toàn dịch bệnh, gián đoạn cung ứng từ các quốc gia khác sẽ tiếp tục giáng đòn mạnh đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Công nhân viên và doanh nghiệp nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả, nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy mua xe hơi bao gồm trợ giá và giảm nhẹ yêu cầu bằng lái. Động thái này có thể giúp thị trường, nhưng khả năng tăng trưởng mạnh sẽ khó có thể xảy đến trong tương lai gần. Tương lai ngành xe hơi Đông Á đang phải đối mặt với một tương lai ảm đạm không thể tránh khỏi.