Ngành giao thông nợ 20.000 tỷ: Nhiệm kỳ sau, sau nữa trả vẫn chưa hết
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, sáng 3/6, Quốc hội thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ngành giao thông trả nợ trên 20.000 tỷ đồng
Giải trình ý kiến được các ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu chung của tất cả các đại biểu và Quốc hội đều mong muốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt được thực hiện, thực thi một cách hiệu quả và đạt được các yêu cầu của đầu tư công trong giai đoạn này để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu phát triển của đất nước và để đảm bảo hiệu quả, tính khả thi và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế không bị phá vỡ, đồng thời phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối của ngân sách và giải quyết được các yêu cầu bức xúc phát sinh đặt ra đối với các địa phương, các bộ, ngành và đối với nền kinh tế.
“Sự cần thiết đối với phân bổ dự phòng này như thế nào? Đất nước ta là một đất nước đang trong quá trình phát triển nên nhu cầu cho đầu tư rất lớn, từ đầu tư kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cho đến phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... Như tất cả các đại biểu từ sáng đến giờ đã nêu rất nhiều yêu cầu bức xúc của chúng ta. Trong giai đoạn này chúng ta thực hiện theo luật đầu tư công là lần đầu tiên chúng ta thực hiện phân bổ ngân sách thực hiện chi ngân sách đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm.
Trước đây, năm nào chúng ta quyết định năm đó thì trong giai đoạn này chúng ta quyết định theo là 5 năm tức là xác định trong đầu tư của cả 5 năm và chúng ta đã làm rõ tất cả các mục tiêu và danh mục dự án của cả 5 năm và theo đó cũng đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm. Bây giờ chúng ta chỉ còn đúng nguồn dự phòng mà chúng ta đang bàn ở đây” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trần tình.
Theo ông Dũng, trong bối cảnh các địa phương, các Bộ, ngành có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến các cơ sở tư pháp, các thanh toán nợ đọng xây dựng...
“Chúng ta rất nhiều, nhưng không thể làm được, vì không có tên trong danh mục dự án Quốc hội quyết định rồi, phân bổ hết rồi”, ông Dũng cảm thán.
Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục lưu ý các ĐBQH trong hội trường trước thông tin về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, kế hoạch tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây. Trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm 2019, có tới 8.000 dự án là chuyển tiếp. Hiện tại, chỉ mới khởi công 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.
“Riêng ngành giao thông hiện nay, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng báo cáo Quốc hội, hiện nay ngành giao thông vẫn đang còn tồn nợ của ngành giao thông vận tải trên 20.000 tỷ. Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết của ngành giao thông.
Vì chúng ta đã dừng hoãn rất nhiều công trình mà chúng ta không có khả năng. Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản thì hiện nay đang còn rất lớn, mặc dù chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng, tập trung vào trả nợ, tập trung vào cho các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới, cho nên các ĐBQH gần đây, có rất nhiều thông tin đại chúng có nêu là trong nhiệm kỳ vừa rồi không thấy công trình nào khởi công mới cũng là cả lý do đó. Đó là thực tiễn đang đặt ra hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần.
Sân bay Long Thành: Có vốn nhưng không thể giải ngân
Đối với các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia, lấy ví dụ điển hình là sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm nữa nhưng chúng ta đang để ở đó hơn 80.000 tỷ không giải ngân hết. Từ đây, ông Dũng chỉ ra vấn đề, đó là việc chỉ ra được nguồn để chúng ta có thể thực hiện cho việc phân bổ là có; nhưng để rà soát, chỉ ra được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay chúng ta không làm được điều đó.
Sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc-Nam còn hơn 80.000 tỷ không giải ngân hết. (Ảnh minh hoạ)
Ông Nguyễn Chí Dũng phân tích: “Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó, vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và chúng ta đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được. Tiếp nữa, năm 2020 chúng ta chưa triển khai. Như vậy, chúng tôi cho rằng thời điểm phù hợp nhất là cuối năm nay chúng ta có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu, khi đó chúng ta mới phân bổ, dự kiến được theo khả năng nguồn lực thực tế”.
Đối với đồng bằng sông Cửu Long, các nhiệm kỳ trước đây của chúng ta bố trí cũng chưa được tập trung và chưa được thỏa đáng vì chúng ta có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ khác. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải đã bố trí cho đồng bằng sông Cửu Long 41.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 32-33%, ngành nông nghiệp đã bố trí hơn 15 ngàn tỷ chiến hơn 30% của cả nước, ngành tài nguyên môi trường đã bố trí 4.750 tỷ trên tổng số 15.000 tỷ đồng, chiếm 30% của cả nước trong các chương trình biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã quyết định bổ sung thêm 2.500 tỷ từ dự phòng ngân sách trung ương hàng năm và dự phòng chung này để phục vụ cho các dự án chống sạt lở.
“Hôm trước tôi cũng đã nói, đối với đồng bằng sông Cửu Long, đây là một điểm nghẽn rất lớn hiện nay. Chúng tôi đã nhận thức được Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành trong khả năng cân đối ngân sách của mình tập trung ưu tiên hơn cho đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là tuyến cao tốc từ TP.HCM về đến Cần Thơ cần hoàn thành sớm để tạo huyết mạch, động lực cho tăng trưởng cho phát triển của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng của VIDIFI khi làm cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa thể giải quyết. (Ảnh minh hoạ)
Về khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng của VIDIFI, ông Dũng cho biết, đây là khoản cam kết của Chính phủ, được xác định là nợ của Trung ương thuộc ngân sách phải trả và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã có ý kiến, Nghị quyết của Quốc hội phù hợp.
“Chúng ta chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. Nếu Quốc hội thấy tỷ lệ để trả nợ cao quá thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỷ trọng đó giành ưu tiên cho một số công trình cấp bách hay xử lý một số công việc khác, một phần trả cho VIDIFI, cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không sử dụng hết 4.000 tỷ”.