Ngành gỗ lên mạng tìm đại gia Mỹ, châu Âu kiếm USD mùa Covid-19

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 15/04/2021 09:42 AM (GMT+7)
Một lễ hội nội thất trực tuyến đang diễn ra với hơn 10.000 sản phẩm để kết nối mua bán giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngành gỗ Việt Nam đang tăng cường trực tuyến, tìm kiếm đại gia Mỹ, châu Âu trong mùa Covid-19.
Bình luận 0

Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động kết nối giao thương diễn ra khó khăn hơn so với bình thường. Nhưng các doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam vẫn tìm cách "thoát chết" bằng việc lên mạng để kiếm đối tác, bán hàng.

Ngành gỗ lên mạng tìm đại gia Mỹ, châu Âu

Tại TP.HCM, Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ đang diễn ra và kéo dài đến ngày 19/4. Hôm qua, hơn 400 đại diện từ các đơn vị mua hàng quốc tế, nhà sản xuất, doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ đã tham gia giới thiệu, kết nối sản phẩm.

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy tham gia tuần lễ giao thương này có nhiều tên tuổi lớn trong ngành đồ gỗ và nội thất thế giới như Kingfisher, IKEA, Ashley, Rowico, Target, Carrefour Vietnam, Test Rite, Modus… Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và đội ngũ mua hàng của văn phòng đại diện đã kết nối trực tiếp với nhau.

Ngành gỗ lên mạng tìm đại gia Mỹ, châu Âu kiếm đô la mùa Covid-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp kết nối tại Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Đáng chú ý, ngoài kết nối trực tiếp tại TP.HCM, trong bối cảnh Covid-19, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng đã lên mạng tìm kiếm đối tác.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất, nhà thu mua trên toàn cầu có thể kết nối với nhau trên nền tảng HOPE tại website: hopefairs.com, đây được ví như một lễ hội nội thất trực tuyến.

Theo giới thiệu, hơn 100 doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, nội thất, thủ công mỹ nghệ đang trưng bày các thiết kế mới nhất, không gian nhà xưởng... thể hiện các thế mạnh của công nghiệp nội thất Việt Nam. Lễ hội trực tuyến này được hỗ trợ bởi công nghệ scan 3D, hình ảnh, thông tin sản phẩm sống động để khách tham quan có được trải nghiệm chân thực nhất.

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đơn vị tổ chức tuần lễ kết nối giao thương này cho biết tổng diện tích thực tế của showroom ảo lên đến hơn 20.000m2, quy tụ hơn 10.000 sản phẩm từ các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Ông cũng nhận định các doanh nghiệp trong ngành gỗ thường đặt hàng trong tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Do đó, đây được xem là thời điểm vàng để giải quyết các nút thắt trong công tác giao thương của thị trường nội thất thế giới, đang bị cản trở bởi Covid-19.

Ngành gỗ quyết giữ tăng trưởng hai con số

Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong năm 2020 đã đạt được mục tiêu kép rất thành công với những con số ấn tượng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2020 đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 16%, trong đó, ngành gỗ và đồ gỗ tăng trưởng hơn 16% với kim ngạch xuất khẩu 12,1 tỷ USD. Giá trị hai mặt hàng cơ bản là đồ gỗ và ghế chiếm xấp xỉ 70% xuất khẩu gỗ.

Ngành gỗ lên mạng tìm đại gia Mỹ, châu Âu kiếm đô la mùa Covid-19 - Ảnh 3.

Lễ hội nội thất trực tuyến đang diễn ra tại website: hopefairs.com. Ảnh chụp màn hình.

Một trong những nguyên nhân quan trọng được lãnh đạo ngành nông nghiệp lẫn công thương chỉ ra cho kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành gỗ là các doanh nghiệp đã ứng dụng thành công việc kết nối trực tuyến, bán hàng trực tuyến trong tình hình đại dịch.

Phó Chủ tịch HAWA - ông Nguyễn Chánh Phương, cho biết tại châu Á, Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm đến lý tưởng của các nhà mua hàng quốc tế. Covid-19 đã khiến các hội chợ giao thương quốc tế thường niên đã không thể diễn ra. 

Ông cho rằng trong xu hướng nội thất toàn cầu đang tăng cao, nếu thiếu quảng bá có thể sẽ mất cơ hội, trong khi Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn vì Covid-19.

Ông Phương cũng cho biết Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường đồ gỗ hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp Việt. Hiện nay, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu đi chiếm khoảng một nửa là vào thị trường Mỹ.

"Chúng tôi hy vọng, khi các kết nối kinh doanh phát huy hiệu quả, tăng trưởng doanh số xuất khẩu của ngành nội thất Việt Nam trong năm 2021 này sẽ không chỉ giữ vững ở mức hai con số mà còn có thể tạo nên những thành quả lớn hơn, như việc trụ vững ở ngôi Á quân toàn cầu hiện nay" ông Phương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem