Ngành gỗ tái cấu trúc, phát triển bền vững sau Covid-19

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 11/07/2020 10:38 AM (GMT+7)
Đó là một trong những mục tiêu mà Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đặt ra trong thời gian tới nhằm duy trì đà tăng trưởng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, phấn đấu đạt con số xuất khẩu 12 tỷ USD.
Bình luận 0

Giữ vững tăng trưởng

Khi dịch Covid-19 bắt đầu phủ bóng đen trên toàn cầu, chuỗi cung ứng nông sản bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đứt gãy do lệnh phong tỏa phòng chống dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gặp khó, trong đó có ngành gỗ.

Ngành gỗ tái cấu trúc, phát triển bền vững sau Covid-19 - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên trồng rừng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên

Thời điểm tháng 3/2020, qua khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, có tới 70 - 80% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ gặp khó do các đơn hàng bị hủy hoặc chậm giao hàng, chỉ có khoảng 7 - 8% doanh nghiệp được hỏi trả lời vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực chuyển các hình thức kinh doanh của doanh nghiệp, sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất trở lại ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống.

Tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Diện - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trực tiếp xuống doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, tiếp tục động viên doanh nghiệp sản xuất, báo cáo Thủ tướng để đưa doanh nghiệp chế biến gỗ vào nhóm đối tượng được hỗ trợ do tác động bởi dịch Covid-19. 

Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu giảm sút, chỉ đạt 751 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ, nhưng bước sang tháng 5, các doanh nghiệp đã ổn định, phát triển sản xuất trở lại, chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa là khó khăn hơn.

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 2020:

6 tháng: > 5,3 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019)

Mục tiêu cả năm: 11,75-12 tỷ USD

"Ước tính, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Với đà này, mục tiêu khẩu khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ năm 2020 ước đạt 11,75 - 12 tỷ USD sẽ đạt" - ông Diện nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 84,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường Thái Lan (tăng 40%), Trung Quốc (tăng 18,5%) và Mỹ (tăng 9,1%).

Về công tác trồng, phát triển, bảo vệ rừng, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã trồng 106.300 rừng tập trung, đạt 48,3% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ước cả năm đạt khoảng 220.000ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%. 

Cả nước xảy ra 5.801 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 932 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2019. Đã xảy ra 109 vụ cháy rừng, giảm 80 vụ (35%) so với cùng kỳ năm 2019.

"Hoạt động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật. Mặt khác, do nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày, đúng vào mùa đốt nương làm rẫy, nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, có thiệt hại về rừng" - ông Điển nói.

Đẩy mạnh tái cấu trúc sản xuất

Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% hoặc về 0% trong vòng 5 năm. Đây là cơ hội cho ngành gỗ, nhưng cũng là thách thức, do người tiêu dùng EU luôn đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ, các giấy tờ, hồ sơ minh bạch chứng minh tính hợp pháp của nguyên liệu…

Ngành gỗ tái cấu trúc, phát triển bền vững sau Covid-19 - Ảnh 3.

Chế biến gỗ tại Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương). Ảnh: P.V

Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị, các doanh nghiệp ngành gỗ nên tái cấu trúc chuỗi sản xuất, xúc tiến quản lý rừng bền vững, thực thi các cam kết để đảm bảo xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đến từ nguồn hợp pháp.

Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp cũng sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành, các dự án hợp tác quốc tế... 

Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về quản lý giống; lập và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Ngành lâm nghiệp sẽ nỗ lực đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2020 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát hiện sớm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng.

 Cùng với đó, hoàn thành xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững; bám sát, xây dựng kịch bản hỗ trợ xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu lâm sản năm 2020.

img

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn:

Tháo gỡ rào cản thương mại để xuất khẩu đạt 12 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết phức tạp, dịch bệnh nguy hiểm đã tác động nghiêm trọng đến ngành lâm nghiệp. Chưa bao giờ nắng nóng gay gắt như năm nay khiến nguy cơ cháy rừng ngày càng cao.

Dự báo, trong mùa hè năm nay còn khoảng 5 - 6 đợt nắng nóng cực đoan, do vậy ngành lâm nghiệp, các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, dự báo chính xác, tập trung nguồn lực phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao không được để xảy ra cháy rừng với diện tích lớn.

Bên cạnh đó, thị trường năm nay cũng có những tác động đáng kể do dịch Covid-19, một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp chịu rào cản thương mại do một số vụ kiện chống bán phá giá, chống gian lận xuất xứ, trong đó, một số nước đã có kết luận.

Dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng ngành lâm nghiệp phải nỗ lực để đạt được tăng trưởng cao nhất, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ không được thấp hơn 12 tỷ USD.

Để khai thác tốt thị trường, Tổng cục Lâm nghiệp cần phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là đối với ván dán, gỗ dán để bảo vệ uy tín của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem