Ngành gỗ Việt: Khó đa dạng hoá thị trường, dẫn đến tăng vụ kiện phòng vệ thương mại?

PV Thứ năm, ngày 22/12/2022 18:33 PM (GMT+7)
Theo bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành gỗ Việt Nam đang khó khăn trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, dẫn đến việc ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ hơn.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang một số thị trường khá lớn, nhiều năm qua chúng ta kêu gọi đa dạng hoá thị trường xuất khẩu mặt hàng này, để hạn chế các vụ kiện do nguyên đơn là các nhà sản xuất từ các nước đưa ra. Tuy nhiên, đến nay việc đa dạng hoá thị trường vẫn khó khăn. 

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, những khó khăn nào mà doanh nghiệp gỗ gặp phải khi đa dạng hoá sản phẩm, nhằm phòng tránh từ xa các vụ kiện phòng vệ thương mại?

Ngành gỗ Việt: Khó đa dạng hoá thị trường, dẫn đến tăng vụ kiện phòng vệ thương mại? - Ảnh 1.

Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị ngành gỗ trên 14,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022 – đạt 88% kế hoạch năm.

Đây là kết quả tích cực đối với ngành gỗ trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Về cơ cấu đối với ngành gỗ, tuy chưa có chuyển dịch quá nhiều với kim ngạch gỗ xuất khẩu vào Hoa Kỳ chiếm tới hơn 60%, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy được nỗ lực của doanh nghiệp gỗ trong khai thác dư địa của các thị trường khác ngoài Mỹ như Trung Quốc hay như các thị trường Anh, Canada, Úc,…

Trong thời gian qua, tình hình thương mại nói chung không tránh khỏi khó khăn chung, đặc biệt từ thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU do Covid và tình hình chính trị và xu hướng lạm phát. Dẫn tới tác động lớn tới các ký kết và thực hiện đơn hàng gỗ của Việt Nam. 

Ngoài ra, quá trình thu mua sản xuất đòi hỏi DN cần nguồn vốn ổn định, nguyên liệu ổn định để đáp ứng được yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Do đó, các khó khăn chung của các doanh nghiệp ngành gỗ là chi phí đầu vào cao và xu hướng giá tăng, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, trong đó có gỗ. Hai là thị trường tài chính tiền tệ khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh, làm sản xuất gỗ mất lợi thế cạnh tranh. Ba là, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn cao, rủi ro giám đoạn nguồn cung nguyên liệu và chuỗi giá trị phục vụ cho ngành sản xuất gỗ.

Có thể nói, DN hiện nay chịu áp lực rất lớn. Nhiều DN hoạt động cầm chừng đảm bảo năng lực sản xuất của DN trong giai đoạn mới. Vì vậy việc đa dạng hóa thị trường rất quan trọng. 

"Theo tôi, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, cần sự chủ động hơn nữa từ các DN tư nhân và hiệp hội trong công tác thông tin nhằm đưa ra định hướng sản phẩm phù hợp với thị trường mới, tận dụng các hiệp định thương mại, tìm hiểu sâu về kiến thức phòng vệ thương mại", bà Bình nói.

Trong bối cảnh mới hiện nay, các hiệp định mở ra nhiều thị trường còn nhiều dư địa là cơ hội lớn cho VN đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường nội địa là giải pháp mà DN cần quan tâm. 

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp Bộ ngành liên quan, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam,… cùng cục phòng vệ thương mại kịp thời hỗ trợ công tác thông tin, giải pháp về phòng vệ thương mại. Từ đó kết nối giao thương cho các DN gỗ tốt nhất, đảm bảo phát triển ổn định bền vững.

Theo bà Bình, hiện nhiều nước áp dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá C/O để áp đặt các lệnh điều tra, trừng phạt Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (Ví dụ như Mỹ đánh thuế với gỗ từ Trung Quốc, nghi ngờ điều tra gỗ từ Việt Nam nhập từ Trung Quốc xuất sang Mỹ). C/O đối với gỗ đang là nỗi lo lớn cho sản phẩm của Việt Nam trong bối cảnh Mỹ -Trung xung đột lợi ích gay gắt và việc điều tra lẩn tránh xuất xứ đang được các nước tận dụng triệt để.

Đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của Hoa Kỳ nhà nhập khẩu tự khai báo xuất xứ lô hàng nhập khẩu, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm xác minh việc kê khai của nhà nhập khẩu. Vì vậy, về quy tắc xuất xứ đối với gỗ và các sản phẩm gỗ của Hoa kỳ tương đối dễ dàng, chủ yếu phụ thuộc và nhà nhập khẩu.

Theo bà Bình, trường hợp được sản xuất ở Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được quy tắc xuất xứ của cả Việt Nam và của Hoa Kỳ. Do đó, về phía Hoa Kỳ khó có thể điều tra việc gian lận xuất xứ đối với sản phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển hoạt động thương mại, không loại trừ khả năng các nước khác quá cảnh qua các cảng Việt Nam trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

"Chính vì thế, hiện Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đối với các sản phẩm của nước khác giả mạo xuất xứ đối với các sản phẩm Việt Nam khi sản xuất tại Việt Nam", đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem