Ngành gỗ xuất khẩu đứng trước rủi ro phòng vệ thương mại

04/04/2021 20:25 GMT+7
Hiện tại, ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ, rủi ro bị các nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngay cả với những sản phẩm chủ lực.

Mới đây, các Hiệp hội VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Tổ chức Forest Trends đã đưa ra Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021".

Theo đó, ngoài mặt hàng gỗ dán đang bị Chính phủ Mỹ điều tra, còn có các mặt hàng gỗ khác của Việt Nam đang ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại là: ghế ngồi, tủ bếp, bộ phận tủ bếp và ghế sofa.

Cũng theo nhóm nghiên cứu nói trên, nguyên nhân của nhận định trên là do kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này tại Việt Nam tăng bất thường.

Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu ghế ngồi của Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu ghế ngồi cũng tăng nhanh với mức tăng 28% và đạt 163 triệu USD. Ghế ngồi nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc với giá trị 139,25 triệu USD.

Ngành gỗ xuất khẩu đứng trước rủi ro phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu có khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Tương tự, xuất khẩu đồ gỗ trong năm 2020 đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 22%, thì nhập khẩu đạt trên 146,56 triệu USD, tăng tới 97%. Có tới 90% giá trị bộ phận đồ gỗ được nhập từ thị trường Trung Quốc.

Tỷ trọng của ghế ngồi nhập khẩu trong tổng các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Việt Nam, từ mức 5% vào năm 2019 lên 6,4% trong năm 2020. Tỷ trọng của đồ gỗ nhập khẩu tăng từ 4,9% vào năm 2019 lên 7,4% năm 2020

Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, những con số nói trên có thể bị các nước nhập khẩu đánh giá thuộc tình trạng lẩn tránh xuất xứ đối với nhóm mặt hàng ghế ngồi và bộ phận đồ gỗ được nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện tại, ngành gỗ Việt Nam vẫn có khả năng bị các thị trường lớn như Mỹ, EU… áp đặt thuế chống lẩn tránh thuế, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp… Theo nhóm nghiên cứu, rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là rất hiện hữu.

Được biết, cũng trong năm 2020, FDI vào ngành gỗ tăng trưởng đáng kể, với 63 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 327,7 triệu USD; 52 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 193,6 triệu USD; 122 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn đạt 244,8 triệu USD.

Trong đó, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư trong số 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành gỗ trong năm qua, với số lượng lớn 23/63 dự án.

Tuy nhiên, số tiền đầu tư lại khá khiêm tốn, trung bình mỗi dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc chỉ khoảng 2,27 triệu USD, giảm 37% so với năm 2019. Nhìn chung, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án nhỏ và các hoạt động đầu tư tập trung vào sản xuất các sản phẩm gỗ như bàn ghế, giường, tủ, bàn ghế sofa, tủ bếp, gỗ dán...


Thanh Phong
Cùng chuyên mục