Cần gói tín dụng 25-27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho ngành hàng không lao đao vì Covid-19

Thế Anh Thứ năm, ngày 20/08/2020 16:03 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ cần cân nhắc thêm những giải pháp khác "nặng đô" hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành hàng không, như gói tín dụng 25- 27.000 tỷ đồng. Những giải pháp này cần làm ngay, quyết liệt và mạnh hơn vì mức độ thiệt hại của hàng không rất lớn.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam. Với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dự báo đến cuối 2020, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ không còn hãng hàng không nào trên thế giới còn tiền trong tài khoản.

Bởi lẽ, hàng không là ngành có chi phí cố định lớn và biên lợi nhuận thấp, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuyến bay bị hủy, tàu bay “đắp chiếu” nằm sân, doanh nghiệp không có doanh thu trong khi tiền tích lũy khó có thể bù đắp được tất cả chi phí như vận hành, thuê tàu bay, bảo dưỡng, đặc biệt là việc khách khách phải hoàn trả một lượng vé rất lớn khiến dòng tiền thâm hụt.

Trước tình hình đó, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam nhằm giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp.

Trong đó, bổ sung quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với những chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020. Ngoài ra, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 đến tháng 9/2020.

Ngành hàng không lao đao vì Covid-19 cần giải pháp "nặng đô" để giải cứu - Ảnh 1.

Hãng hàng không Việt Nam Airlines.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian giảm giá phí cho các hãng hàng không cân kéo dài thêm, đặc biệt tình hình dịch bệnh chưa biết lúc nào sẽ được khống chế, tại nhiều tỉnh, thành phố khuyến cáo người dân đi lại. Ngoài ra, các đường bay quốc tế chưa khôi phục lại trong thời gian tới đây.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, ngành hàng không có liên quan đến nhiều ngành nghề khác như dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại, đầu tư.

Do đó, việc kéo dài thời hạn giảm phí đối với hàng không để hỗ trợ các doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này là vấn đế cấp thiết, bởi khi dịch bệnh được khống chế, đây sẽ là ngành mũi nhọn kéo các ngành khác phục hồi theo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra các gói cứu trợ hàng không, nhằm đảm bảo duy trì các mắt xích trong nền kinh tế được vận hành, cũng như đảm bảo duy trì việc làm cho hàng nghìn việc làm của ngành này cùng các ngành có liên quan.

Trong khi đó, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không là một trong những nhiệm vụ mà nhà nước cần ưu tiên làm ngay.

"Cùng với du lịch và dịch vụ, ngành hàng không là một trong những đối tượng bị tác động nặng nhất của dịch Covid khi bùng phát trở lại. Mặc dù, thời điểm kết thúc giãn cách xã hội lần trước ngành này cũng đã phục hồi được phần nào từ những chuyến bay nội đia, nhưng chưa hưởng được bao nhiêu, khó khăn của các doanh nghiệp cơ bản vẫn còn nguyên", bà Lan nhận định.

Theo bà Chi Lan, việc hỗ trợ ở nước ta mới chỉ dừng ở giãn nộp thuế, miễn một số loại phí nhưng chưa có miễn thuế. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc thêm những giải pháp khác "nặng đô" hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, những giải pháp này cần làm ngay, quyết liệt và mạnh hơn vì mức độ thiệt hại của hàng không rất lớn.

Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm.

Hiệp hội cũng nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa và được một số nước đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, các nước thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch.

Đối với đề xuất miễn phí giảm các loại thuế phí cho các hãng hàng không, ông Thắng cho rằng, hiện nay các hãng đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020. Đến cuối năm nay, các cơ quan sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có các phương án hỗ trợ tiếp theo cho các hãng hàng không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem