Ngành hàng không sẽ mở rộng những đường bay quốc tế nào?

10/02/2025 16:34 GMT +7
Thị trường hàng không Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi sản lượng hành khách đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua.

Sản lượng khách qua đường hàng không tăng trưởng

Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên Ất Tỵ (từ ngày 24/1 đến ngày 2/2/2025, tức từ ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tổng sản lượng vận chuyển hành khách toàn thị trường đạt 2,5 triệu hành khách (tăng 17,8%). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 1,35 triệu khách (tăng 23%); vận chuyển hành khách nội địa đạt 1,14 triệu khách (tăng 12% so với cùng kỳ 2024).

Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển hơn 1,67 triệu lượt hành khách tăng 12,8% và gần 7 nghìn tấn hàng hóa tăng 4% so với cùng kỳ 2024, trong đó: vận chuyển quốc tế đạt hơn 536 nghìn khách và hơn 3,6 nghìn tấn hàng hóa, tăng 14% về hành khách và tăng nhẹ 1,1% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2024; vận chuyển nội địa đạt hơn 1,1 triệu khách và 3,2 nghìn tấn hàng hóa, tăng 12% về hành khách và tăng 7,4% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, số lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay cả nước: cũng tăng cao hơn cùng kỳ, với xâp xỉ 3,6 triệu hành khách (tăng 16% so với cùng kỳ 2024). Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, số lượng hành khách đạt xấp xỉ 1,38 triệu hành khách (tăng 7,6%).

Hành khách qua đường hàng không đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Gia Linh

Tại sân bay này, ngày cao điểm nhất, ghi nhận kỷ lục là ngày 24/1 (tức ngày 25 tháng Chạp là ngày làm việc cuối cùng trước nghỉ Tết), đơn vị khai thác 1002 lượt cất hạ cánh (tăng 10% so với cùng kỳ 2024), với 152 nghìn lượt hành khách (tăng 13% so với cùng kỳ 2024). Mức khai thác này đã cao hơn so với Tết Nguyên đán năm 2020.

Trước đó, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không trong năm 2024 vừa qua đạt 53,3 triệu khách (giảm nhẹ 4,5% so với năm 2023). Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc tế lại tăng 18,5% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 445,7 nghìn tấn (tăng 35,7% so với cùng kỳ 2023).

Đánh giá của các chuyên gia, ngành hàng không Việt Nam trong thời gian có những tín hiệu tích cực. Trong đó, việc ngành du lịch đang trên đà phục hồi là trợ lực quan trọng giúp ngành hàng không phát triển, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Chiến lược mới của các hãng hàng không

Về phía các hãng hàng không, trong bối cảnh khó khăn chung về việc thiếu hụt tàu bay, các đơn vị vẫn nỗ lực tìm giải pháp để vận hành và phát triển. Các giải pháp được các hãng đưa ra như tập trung phục hồi và phát triển mạng đường bay, thị trường hàng không, qua đó tăng doanh thu, bổ sung dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh,...

Trong đó, việc mở rộng mạng bay quốc tế được đánh giá là chiến lược quan trọng trong việc thu hút dòng vốn, giúp các hãng từng nước phục hồi.

Ghi nhận thực tế, thời gian qua, hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới.

Việc mở rộng mạng bay quốc tế được đánh giá là chiến lược quan trọng trong việc thu hút dòng vốn, giúp các hãng từng nước phục hồi. Ảnh: Gia Linh

Cụ thể, đón đầu cơ hội, các hãng hàng không cho biết, đang và sẽ đẩy mạnh mạng bay quốc tế trong bối cảnh doanh thu của mạng bay này tăng mạnh. Theo Vietnam Airlines, hãng đang đưa vào khai thác đường bay thẳng tới Munich - Đức từ tháng 10/2024. Ngoài ra, đơn vị đã có kế hoạch mở thêm hàng loạt đường bay vào năm 2025, đồng thời nghiên cứu mở thêm nhiều đường bay quốc tế, như Milan - Ý, Copenhagen - Đan Mạch và Bắc Mỹ (gồm Seattle - Mỹ, Vancouver - Canada)...

Một đại diện khác là Vietjet cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay tới các điểm đến mới tại Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia...

Gia Linh