Ngành mía đường: Đừng khóc vì ATIGA!

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 20/02/2020 14:19 PM (GMT+7)
Chính phủ đã khẳng định, không thể bảo hộ thêm cho ngành mía đường bởi Việt Nam là nước duy nhất trì hoãn thực thi các cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Không còn cách nào khác, đừng khóc vì ATIGA, đã đến lúc ngành mía đường phải thay máu.
Bình luận 0

10 năm, chưa sẵn sàng hội nhập

Theo cam kết ATIGA, 1/1/2018 là thời hạn cuối cùng để Việt Nam xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi Điều 20 tại ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng. 

Từ ngày 1/1/2020, không thể trì hoãn, cánh cửa cho đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam bung mở.

Lo ngại trước "làn sóng" nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, khi thời gian xóa bỏ hạn ngạch cận kề, từ tháng 8/2019, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), doanh nghiệp liên tục có thư "cầu cứu" Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương muốn được gia hạn thời gian xóa bỏ hạn ngạch đến năm 2025.

Theo VSSA, nếu thực thi vào đầu năm 2020, doanh nghiệp mía đường trong nước, các gia đình trồng mía khó có thể tìm được chỗ đứng, tình trạng phá sản quy mô lớn là điều khó tránh khỏi.

img

Năng suất mía của Việt Nam vẫn thấp so với bình quân chung thế giới. Ảnh: I.T

Thực tế, những lo ngại của doanh nghiệp ngành đường không phải không có cơ sở bởi cuộc chiến chống buôn lậu đường suốt 10 năm qua dường như chưa có hồi kết, đường lậu từ biên giới tràn vào Việt Nam, bán với giá rẻ hơn khiến ngành đường trong nước gây tổn thất nghiêm trọng.

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9/2019, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 876 vụ buôn lậu đường, xử phạt hành chính với số tiền hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường (trị giá 12 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, nếu so với số liệu của VSSA, lượng bắt giữ chưa đến 0,3% tổng số đường nhập lậu. Niên vụ 2018 - 2019, toàn bộ các nhà máy đường trong nước chỉ ép được khoảng 1,2 triệu tấn đường, tính ra đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn.

 Hậu quả, 1/3 số nhà máy đường trong nước phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang vì thua lỗ, tổng diện tích các vùng nguyên liệu mía giảm từ 30 - 60%.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 01/2020 đã có đường nhập chính thức áp dụng xóa hạn ngạch nhập khẩu của ATIGA về tiêu thụ trong nước, sau Tết giá của nguồn đường này bán ra thị trường thấp hơn đường sản xuất trong nước ở mức 12.400- 12.800 đồng/kg, có nơi bán giá cao hơn, khoảng 13.200-13.300 đồng/kg.

Trong khi đó, đường lậu Thái Lan trong nửa cuối tháng 01/2020 có diễn biến ít sôi động. "Tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ đường lậu vẫn hoạt động, nhưng sau tết bị cạnh tranh với đường nhập chính ngạch theo ATIGA. Giá đường lậu vẫn luôn thấp hơn đường trong nước khoảng 200-300 đồng/kg" – ông Lộc nói.

Ai cũng biết, việc thực thi cam kết ATIGA là điều không thể trì hoãn, bởi theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết khả năng cao sẽ có trừng phạt thương mại với Việt Nam.

 Nếu trong trường hợp vi phạm lại, trong 90 ngày người ta sẽ trả đũa ngay theo quy định của hiệp định. Với ATIGA hay bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào khác, đã chấp nhận ký vào bản thỏa thuận thì phải tôn trọng cuộc chơi.

Nhưng suốt nhiều năm qua, dường như ngành mía đường vẫn chìm đắm trong những suy tư cũ. Hiện, 50% nhà máy đường có công suất thấp, năng suất mía của Việt Nam còn thấp hơn bình quân chung của thế giới, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chính điều này đã đẩy giá thành sản xuất đường lên cao.

 Trả giá, được – mất để thay đổi

Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Hiệp hội Mía đường Việt Nam ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, không thể bảo hộ mãi cho ngành mía đường vì Việt Nam là nước duy nhất trì hoãn sự bảo hộ đến tận 2 năm.

img

Nhiều nhà máy đường đã áp dụng máy móc hiện đại vào thu hoạch mía. Ảnh: I.T

 Đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp ngành mía đường phải tự đổi mới, và dù có phải trả giá, dù có được hay mất thì đó chắc chắn là con đường phải thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, đã có sự chuyển động trong nội tại của ngành khi các nhà máy đường đều áp dụng hoặc điều chỉnh giá mía 10 CCS tại ruộng lên 800.000-850.000 đồng/tấn. Những nhà máy mới vào vụ ở khu vực miền Trung áp dụng giá mía 10 CCS tại ruộng 850.000 đồng/tấn. 

Với việc giá mía tăngước tính giá thành trung bình sản xuất 1 kg đường trắng của ngành đường Việt Nam trong vụ 2019/20 sẽ tăng thêm 300-600 đồng/kg, nằm trong khoảng 12.500 – 12.800 đồng/kg. Mức giá này so với đường Thái Lan là không thể cạnh tranh nổi.

Và điều này có thể thấy ngay trước mắt khi những khách hàng công nghiệp (KHCN) truyền thống của ngành đều chưa đặt hàng cho năm 2020. 

Ông Lộc cho biết, thông thường những năm trước đây những khách hàng này thường ký hợp đồng mua bán cả năm hoặc 6 tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 do tâm lý ATIGA, nhiều khách hàng rất thận trọng trong việc ký hợp đồng mua đường, hầu hết KHCN đều đang xúc tiến kế hoạch nhập khẩu đường.

 Một số khách hàng đề nghị báo giá cho quý I/2020 nhưng chỉ chấp nhận giá tương đương hoặc thấp hơn giá đường nhập khẩu về tại thời điểm hiện nay. Điều này là bất khả thì trong bối cảnh giá thành đường của các nhà máy vẫn cao hơn giá nhập khẩu.

Vì vậy, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường phải tái cơ cấu, tập trung nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển; vùng nguyên liệu nào chưa tốt cần phải chuyển đổi mô hình phát triển.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, ngành mía đường vẫn được coi là một trong những ngành hàng chiến lược của an ninh quốc gia cần phải duy trì phát triển, triển khai chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất mía ổn định, cơ cấu lại ngành mía đường để nâng cao khả năng cạnh tranh. 

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tập trung triển khai cơ cấu lại ngành mía đường; điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất mía, sản xuất đường và phế phụ phẩm từ sản xuất đường mía).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem