Ngành ô tô tuột dốc, Tesla của tỷ phú Elon Musk vẫn "chạy tốt"

Thứ tư, ngày 08/04/2020 07:00 AM (GMT+7)
Trong khi ngành công nghiệp ô tô thế giới lao dốc thảm hại với doanh số bán thấp nhất trong vòng 10 năm qua, những mẫu xe dự là sẽ nóng năm 2020 bị dịch Covid-19 hóa băng, Tesla vẫn sản xuất được hơn 100.000 ô tô trong quý đầu năm, dù phải đóng cửa một số nhà máy ở cả Trung Quốc và Mỹ.
Bình luận 0

Doanh số bán ô tô quý 1 năm nay của Tesla tuy giảm 21% so với quý 4/2019 nhưng vẫn tăng 40% so quý 1 năm ngoái, trong khi doanh số chung của ngành ô tô toàn cầu quý này giảm 35% so với cùng kỳ.

Vượt qua dự đoán của Phố Wall rằng Tesla sẽ giao 80.000 xe trong quý 1, tập đoàn của tỷ phú Elon Musk giao được 88.400 trong tổng số 102.672 xe sản xuất được trong giai đoạn cả thế giới suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Cuối tháng Một, Tesla đã phải tạm đóng cửa nhà máy mới mở ở Thượng Hải. Tỷ phú Elon Musk vẫn cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy ở California đến 19/3 cho đến khi không thể kháng lệnh đóng cửa các nhà máy không cung cấp sản phẩm thiết yếu ở Mỹ.

Ngành ô tô tuột dốc

Cả thị trường Mỹ, EU và châu Á đều chứng kiến sụt giảm nghiêm trọng trong doanh số ô tô, tác động nghiêm trọng hơn tới nền kinh tế, đặc biệt trong tháng Ba.

Fiat Chrysler thứ Tư tuần trước công bố doanh số quý đầu năm nay giảm 10% cho dù doanh số có tăng trong tháng Một và tháng Hai.

General Motors cũng báo cáo giảm doanh số 7% trong quý 1,  chủ yếu do con số bán hàng của tháng Ba kéo xuống.

Doanh số tháng Ba của Toyota giảm 37% khiến doanh số cả quý I của tập đoàn ô tô Nhật Bản này giảm 9%.

Volkswagen, Honda, Hyundai và cả Mazda cũng đều báo cáo doanh số giảm hơn 40% trong tháng Ba. Dịch Covid-19 đưa ngành công nghiệp ô tô vào một tình thế khó có thể tệ hơn, khiến doanh số xe toàn cầu cả năm nay có thể giảm 15%, theo S&P.

Nguyên nhân đáng kể nhất tác động đến doanh số bán ô tô ở Hoa Kỳ là hơn ¾ người Mỹ được khuyến khích ở nhà trừ khi phải đi mua thực phẩm, thuốc men hay đến các cơ sở chăm sóc y tế.

Một nguyên nhân nữa là nhiều người muốn mua xe đang chịu ảnh hưởng của việc các doanh nghiệp họ sở hữu hay đang làm thuê phải đóng cửa. Trong tuần qua, nước Mỹ có con số kỷ lục hơn 3 triệu người đăng ký hưởng các trợ cấp thất nghiệp.

Thứ nữa là do thất nghiệp hoặc do điều kiện kinh tế hiện tại, nhiều người sẽ không thể tiếp cận các khoản vay để mua ô tô.

“Ba điều quyết định đến doanh số ô tô là tín dụng, việc làm và sự tự tin của người tiêu dùng. Tất cả đều đang chống lại ngành này. Tháng Tư này sẽ còn tệ hơn nữa,” theo Michelle Krebs, chuyên viên phân tích có thâm niên của Cox Automotive.

Nhiều hãng ô tô đã phải khuyến khích người mua bằng cho vay không lãi trong 6-7 năm đầu tiên, cho trả đợt đầu tiên từ 60-90 ngày sau khi lấy xe, và làm hầu như mọi thủ tục trực tuyến, từ thủ tục vay, bảo hiểm đến ký giấy tờ.

Nhiều nhà bán hàng còn cho phép chạy thử xe tại nhà và giao xe được khử trùng thường xuyên để tránh lây nhiễm.

Những hòn than nóng đỏ bỗng thành băng

Ít ra phải mất ba năm và khoảng 1 tỷ USD, từ bản thảo thiết kế đầu tiên đến khi xe ra đến showroom. Xui xẻo cho những đứa con tinh thần của ngành công nghiệp ô tô khi được sinh ra đúng vào đại dịch Covid-19.

Trong cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1930, việc bán một chiếc xe đã là chuyện khó, nhưng showroom xe vẫn được phép mở cửa, các nhà máy vẫn nhả khói. Trong đại dịch Covid-19, các nhà máy phải đóng cửa hoặc phải ưu tiên cho sản xuất máy thở, khẩu trang, các cửa hàng phải đóng cửa vì là sản phẩm không thiết yếu, các buổi ra mắt xe phải hoãn lại vì lý do hạn chế tiếp xúc.

Những chiếc xe mới ra năm nào cũng là những đứa con cưng được định hình từ dự báo tình hình kinh tế đi lên, nhắm vào những khoản lợi nhuận béo bở của một thị trường chứng khoán đầy triển vọng trước đại dịch.

Không nhà sản xuất nào dự báo trước được cuộc đại chiến Nga-OPEC khiến giá dầu tụt xuống đáy vực, cũng như dự báo các cuộc triển lãm xe, các cửa hàng ô tô phải đóng cửa không tiếp khách khi cho ra đời những chiếc SUV như Land Rover Defender,  Ford Bronco thế hệ mới, Trailblazer, Seltos, Maybach GLS 600…

Chỉ riêng Bắc Mỹ, dịch Covid-19 mỗi tuần đã xóa đi 12 tỷ USD doanh số bán xe đáng lẽ phải có và làm hoãn ra đời 331.000 ô tô, theo Bloomberg Intelligence.

Hãng xe sinh sau đẻ muộn như Aston Martin, với dòng SUV có tên DBX “được ăn cả, ngã về không” đang tuyệt vọng vì chưa thể giao xe để lấy tiền bổ sung nguồn vốn lưu động eo hẹp. Khủng hoảng toàn cầu và những hệ lụy có thể sẽ đưa hãng này vào một tình thế rất xấu.

Lệnh đóng cửa nhà máy và thị trường chao đảo mùa dịch cũng khiến những dòng xe điện dự kiến sẽ ra mắt hoặc tới tay người dùng trong năm nay hay năm sau đều bị ảnh hưởng.

Rivian Motors với dòng R1S, hay Ford với dòng Mustang March-E, đều dự kiến giao hàng cuối năm nay, đã phải tạm đóng cửa nhà máy vì dịch Covid-19.

Ở mảng siêu xe có giá từ vài trăm ngàn USD đến vài triệu USD dự kiến giao hàng cuối 2020, các nhà sản xuất có vẻ lạc quan hơn.

Trong khi Ferrari của Ý tin tưởng không thiếu vật tư và hy vọng sẽ tăng ca bù lại khoảng thời gian đóng cửa để kịp sản xuất và giao nhà phân phối "đứa con cưng" 255.000 USD Ferrari Roma cuối năm nay, McLaren của Anh đang phải thiết kế từ xa siêu xe 1,7 triệu USD McLaren Elva cho kịp đưa vào sản xuất, dự kiến 399 chiếc, trong quý 4.

Tập đoàn Lotus, cũng của Anh, đang phải gắn kết từng mảng thiết kế cho "đứa con" có giá 2,1 triệu USD này với nhau qua nền tảng trực tuyến Zoom vì tổng hành dinh của Lotus tại Norwich đang phải đóng cửa chống dịch. Nhà sản xuất ô tô huyền thoại Anh cho biết họ chưa quyết định khi nào sẽ bắt đầu sản xuất 130 chiếc siêu xe có tên Evija này.

Thái An (Bloomberg, CNN, FT, MSN)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem