Ngành thép vẫn nhiều rủi ro trong ngắn hạn

Quốc Hải Thứ ba, ngày 05/07/2022 13:02 PM (GMT+7)
Sản lượng xuất khẩu ngành thép vẫn ổn định trong quý 2, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.
Bình luận 0

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo cập nhật ngành thép với quan điểm, định giá ngành thép dù hấp dẫn cho dài hạn, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu.

Ngành thép vẫn nhiều rủi ro trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Ngành thép được dự báo vẫn rủi ro trong ngắn hạn. Ảnh: TL

Theo SSI Research, sau khi tăng 15% trong quý 1 nhờ nhu cầu dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ. Về giá, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

"Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019, do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn", chuyên gia SSI Research nêu.

Nhu cầu trong nước giảm, xuất khẩu ngành thép cũng dự kiến giảm tốc

Dữ liệu của SSI Research cho thấy, nhu cầu về thép thành phẩm trong nước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022. Nguyên nhân có thể là do sự kết hợp của ba yếu tố: giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ, lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho, và các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Về lĩnh vực xuất khẩu, dù vẫn ổn định trong quý 2, nhưng xuất khẩu ngành thép có thể giảm tốc trong các quý tới. Hiện, sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022.

Ngành thép vẫn nhiều rủi ro trong ngắn hạn - Ảnh 2.

Giá HRC (đô la Mỹ/tấn). Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý 4 năm 2021.

Sự sụt giảm về sản lượng như vậy, theo SSI Research, là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Ngành thép vẫn nhiều rủi ro trong ngắn hạn - Ảnh 3.

Tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty thép

Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt.

"EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm "các nước khác" với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021đến ngày 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới", chuyên gia của SSI Research, dự báo.

Tỷ suất lợi nhuận của các công ty ngành thép dự kiến giảm

Theo SSI Research, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc).

Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.

"Giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới…" - SSI Research.

Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu, nên giá thép trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây. Ngoài ra, sự hồi phục của giá thép cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Vì vậy, các chuyên gia của SSI Research dự báo, tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép dự kiến sẽ giảm nhưng không giảm xuống mức tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2019.

"Không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng trong giai đoạn 2020-2021. Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này như HPG, NKG và TDA đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới, nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này.

Ngoài ra, mức nợ của các công ty tôn mạ cũng đã giảm xuống mức an toàn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Do đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất tôn mạ có thể bị kìm hãm trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ cao hơn mức đáy ghi nhận được trong năm 2018 - 2019", chuyên gia SSI Research, bình luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem