Ngày 8/3: Về Bình Định gặp người phụ nữ miệt mài làm thuốc độc để cứu người

Thủy Lê Thứ ba, ngày 08/03/2022 13:30 PM (GMT+7)
Nhà khoa học, Thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh – Phó tổng giám đốc đồng thời là Giám đốc trung tâm nghiên cứu Bidiphar đã tham gia nghiên cứu và bào chế “thuốc độc” – Thuốc trị ung thư cứu người đã có những chia sẻ về việc nghiên cứu giúp đỡ các bệnh nhân trong nước.
Bình luận 0

Thuốc độc chính là thuốc điều trị ung thư. Không nhiều người biết, những liều thuốc điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam được sản xuất ra tại Bình Định và được nghiên cứu bào chế bởi tập thể dược sĩ, kỹ sư của Công ty CP Dược - Trang thiết bị Bình Định (Bidiphar) thực hiện, dưới sự chủ nhiệm của nhà khoa học nữ, Thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh – Phó tổng giám đốc đồng thời là Giám đốc trung tâm nghiên cứu Bidiphar. Kết quả nghiên cứu này đã được tặng Giải thưởng KOVA về khoa học công nghệ ứng dụng lần thứ 12. Nhân ngày 8/3, cùng gặp gỡ bà Bành Thị Ngọc Quỳnh – nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu và bào chế loại thuốc đặc biệt này từ những ngày đầu.

Ngày 8/3: Về Bình Định gặp người phụ nữ miệt mài làm thuốc độc để cứu người - Ảnh 1.

Thạc sĩ Bành Thị Ngọc Quỳnh – Phó tổng giám đốc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty CP Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thuốc điều trị ung thư đầu tiên tại Việt Nam

Các chị có lo lắng khi bào chế loại "thuốc độc"?

- Điều trị ung thư có nhiều giai đoạn và phương pháp, trong đó có giai đoạn hóa trị liệu là giai đoạn nhiều bệnh nhân trải qua nhất. Các y bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc gây độc tế bào (TGĐTB). Đây là thuốc chứa các hoạt chất có tác dụng tiêu diệt hay ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của các tế bào, có thể bao gồm cả các tế bào bình thường. Thuốc có độc tính cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và ngay cả nhân viên y tế trong quá trình sử dụng cũng phải rất cẩn thận vì có nguy cơ phơi nhiễm. Tôi nghĩ nếu cầm trên tay một hướng dẫn sử dụng thuốc hóa trị liệu ung thư và đọc các nguy cơ của thuốc thì không ít người sẽ rùng mình.

 Nếu như thuốc thành phẩm đến tay nhân viên y tế và người bệnh đã được đóng gói cẩn thận để hạn chế thấp nhất nguy cơ tiếp xúc với cơ thể, thì trong quá trình nghiên cứu và bào chế, nguy cơ này xảy ra rất cao. Để sản xuất thuốc ung thư, bắt buộc phải có hệ thống công nghệ cách ly phân lập, còn gọi là Isolator để cách ly người làm với các hóa chất. Trong quá trình bào chế, có thể có những giọt bắn hoặc bụi thuốc (hay gọi là tiểu phân) phát tán. Thiết bị Isolator có áp suất âm để các tiểu phân bên trong không bị khuếch tán ra bên ngoài, đảm bảo an toàn cho người tiếp xúc và an toàn cho môi trường, cũng như đảm bảo độ vô khuẩn cho thuốc.  

Ngày 8/3: Về Bình Định gặp người phụ nữ miệt mài làm “thuốc độc” để cứu người - Ảnh 1.

Hệ thống Isolator (Phân lập cách ly và vô khuẩn), các buồng sản xuất có áp suất âm để tiểu phân bên trong không bị khuếch tán ra ngoài

Hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 dây chuyền sản xuất thuốc ung thư, trong đó thuốc ung thư cho Bidiphar sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất, dây chuyền thiết bị cũng hiện đại nhất nhằm bảo vệ cho chúng tôi. Mặc dù đã có thiết bị được bảo hộ như vậy, nhưng vì thường xuyên tiếp xúc nên rủi ro của chúng tôi sẽ cao hơn người bình thường. Nhất là giai đoạn đầu khi chưa làm việc nhiều với thuốc ung thư, chúng tôi không có được kinh nghiệm như bây giờ nên rủi ro sẽ cao hơn. Vì vậy mà các công nhân, kĩ sư, nhà khoa học làm trong môi trường này đều sẽ có trợ cấp độc hại.

Nói không lo lắng là nói dối, tuy nhiên là những người làm khoa học, chúng tôi phải trang bị kiến thức để phòng tránh rủi ro cho mình, chứ không thể vì thuốc độc hại mà mình từ chối không làm, vì còn rất nhiều người bệnh đang chờ thuốc của mình.

Quá trình sản xuất thuốc ung thư đầu tiên Made in Vietnam có gặp nhiều khó khăn không? Các chị đã vượt qua như thế nào

- Khi công ty có chủ trương sản xuất thuốc ung thư, chúng tôi phải tìm hiểu rất lâu trước đó thì mới dám đăng ký đề tài với sở Khoa học và công nghệ. Vì là đề tài đầu tiên về thuốc ung thư nên được chấp thuận ngay. Đề tài của chúng tôi là nghiên cứu Carboplatin đông khô. Chúng tôi chọn thuốc này nghiên cứu trước vì đây là thuốc được sử dụng rất phổ biến trong điều trị ung thư với phổ điều trị rất rộng như ung thư buồng trứng, phổi, đầu và cổ, tinh hoàn bàng quang, u Wilms, u não, u nguyên bào thần kinh, nguyên bào võng mạc tiến triển và tái phát ở trẻ em, v.v., nếu làm được sẽ hỗ trợ được cho rất nhiều bệnh nhân. Và đây cũng là thuốc dễ làm hơn các thuốc khác. May mắn là Bidiphar đã làm chủ được công nghệ đông khô từ năm 2002 rồi, đây là một công nghệ khó không phải đơn vị nào cũng làm được và Bidifa là đơn vị thứ 2 tại Việt Nam thực hiện được, nên chúng tôi chỉ cần tập trung vào quá trình bào chế ra thuốc, còn nếu lúc đó mới bắt đầu nghiên cứu công nghệ thì lâu lắm.

Như tôi có nói ở trên, sản xuất thuốc ung thư cần công nghệ phân lập cách ly và công nghệ vô khuẩn, phải dùng hệ thống Isolator để làm việc. Trước năm 2010 do Việt Nam chưa sản xuất thuốc ung thư, nên các thiết bị này thường dùng để trang bị cho quy trình sản xuất vaccine. Năm 2008, khi bắt tay vào nghiên cứu và bào chế thuốc ung thư đầu tiên Made in Vietnam, Bidiphar mới nhập khẩu các thiết bị này về. Việc chọn thiết bị nào đảm bảo cũng không phải dễ dàng, dù đã được Ban lãnh đạo cho đi sang Ấn Độ để tham quan dây chuyền sản xuất thuốc ung thư, nhưng các đối tác cũng không ai chia sẻ những bí mật thương mại của mình, nên chúng tôi phải tự mày mò rất nhiều. Ngay cả khi nhập được thiết bị về, ban đầu chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ khi làm việc nó vì phải đứng cách li, tầm nhìn hạn chế hơn, những chiếc bao tay rộng khiến thao tác kém linh hoạt hơn.

Nhưng phải nói là tập thể nghiên cứu và ban lãnh đạo Bidiphar khi đó rất quyết tâm nên khó khăn ở đâu chúng tôi tháo gỡ ở đó. Cuối cùng thì sau 2 năm chúng tôi cũng hoàn thành đề tài nghiên cứu để làm tiền đề cho công tác sản xuất ở quy mô công nghiệp về sau.

Trong quá trình làm đề tài này, kỉ niệm nào đáng nhớ nhất với chị?

- Trong thời gian làm đề tài thì chúng tôi rất tập trung, có thể nói phần nhiều thời gian là ở phòng thí nghiệm nên tôi cũng không có nhiều kỉ niệm đặc biệt. Nhưng tôi nhớ nhất là sau khi hoàn tất đề tài, chúng tôi tổ chức bảo vệ trước Hội đồng khoa học, thì ngày bảo vệ đúng vào ngày 8/3 cách đây 12 năm. Khi ấy thầy chủ tịch Hội đồng còn cười bảo "Hôm nay ngày quốc tế phụ nữ, chủ nhiệm đề tài lại là phụ nữ, thế này mà không thành công sao được". Bảo vệ đề tài xong mình được nhận hoa chúc mừng, vừa là chúc mừng hoàn thành đề tài mà cũng vừa chúc mừng 8/3 luôn. Vì thế nên cứ mỗi khi đến ngày 8/3 hàng năm, tôi đều có những cảm xúc đặc biệt.

Sau khi đề tài thành công, các chị đã sản xuất thuốc ung thư như thế nào?

- Đề tài được nghiệm thu đánh dấu thành công ở mặt nghiên cứu, chúng tôi đã chinh phục được quy trình và kỹ thuật bào chế ra được Carboplatin tương đương với biệt dược gốc. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi đã chinh phục được công nghệ và quy trình báo chế thuốc ung thư đầu tiên. Sau này chúng tôi cũng bào chế nhiều loại thuốc khó hơn về mặt kĩ thuật, nhưng nhờ có kinh nghiệm loay hoay từ những ngày đầu nên mình cũng rút ngắn được không ít thời gian.

Sau khi nghiệm thu đề tài, năm 2012, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép cho BIDIPHAR sản xuất 16 sản phẩm, đưa ra thị trường từ năm 2012, trong đó có 6 sản phẩm thuốc tiêm đông khô và 10 sản phẩm thuốc tiêm dung dịch, dung dịch đậm đặc pha truyền tĩnh mạch. Bidiphar cũng được tin tưởng giao cho nghiên cứu và sản xuất hàng loạt các thuốc điều trị ung thư khác với mục tiêu có thể tự chủ sản xuất tất cả các thuốc ung thư made in Vietnam để giảm giá thành, nhờ đó giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư. Quả ngọt mà chúng tôi làm được trong công cuộc nghiên cứu này chính là ra được hàng triệu liều thuốc giá rẻ cho bệnh nhân ung thu đã ra đời.

Nhiều loại thuốc khó hơn như Etoposid, Cisplatin, Bestdocel, Canpaxel chúng tôi cũng đã sản xuất được, rồi từ năm 2014, chúng tôi lại tiếp tục nghiên cứu thuốc viên để thuận tiện hơn cho người bệnh khi điều trị. Đến nay Bidiphar có thể sản xuất hầu hết các loại thuốc ung thư trên thị trường với danh mục gần 40 loại thuốc khác nhau, và đang là đơn vị cung cấp thuốc ung thư lớn nhất cho các bệnh viện trên toàn quốc. Có thể nói nhắc đến Bidiphar là người ta nghĩ ngay đến thuốc điều trị ung thư. Thật sự quá hạnh phúc!

Làm nghiên cứu khoa học có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình không?

- Khi làm khoa học, chúng tôi có sự say mê mà đôi khi người ngoài khó lòng hiểu được. Chúng tôi có thể thức trắng đêm, thậm chí nhiều đêm để nghiên cứu. Không chỉ tôi mà các kĩ sư, dược sĩ trong trung tâm nghiên cứu rất hiếm khi về đúng giờ. Mà không ai bắt mọi người phải làm muộn như vậy, mà chủ yếu do tình yêu với thuốc nó ngấm vào máu. Có những khi cứ miệt mài với thuốc, quay ra mới biết xung quanh không còn một ai.

Có nhiều bạn ở các phòng ban khác hay nói chúng tôi hi sinh cả thanh xuân cho sự nghiệp làm thuốc, nhưng đối với chúng tôi thì cũng không có gì là hi sinh cả, vì là những người dược sĩ, sứ mệnh nghề nghiệp của chúng tôi là làm thuốc. Thuốc mình làm ra giúp ích được cho càng nhiều người bệnh, mình càng hạnh phúc, nên chúng tôi thấy rất mãn nguyện với thanh xuân mà chúng tôi đã bỏ ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem