Ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng, Joe Biden sẽ làm việc này

NTTD Chủ nhật, ngày 08/11/2020 12:36 PM (GMT+7)
Ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, Joe Biden sẽ ký sắc lệnh thay đổi mức thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay lên tới 28%. Ngoài ra, một loạt chính sách thuế khác cũng sẽ được tân Tổng thống Mỹ thay đổi và đảo ngược với chính sách dưới thời Trump.
Bình luận 0
Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: làm gì trong ngày đầu tiên tiến vào Nhà Trắng? - Ảnh 1.

Ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020

Ngay từ thời điểm tranh cử vào Nhà Trắng, ông Biden không ngừng đưa ra những cam kết về những điều sẽ thực hiện ngay trong ngày đầu tiên tiến vào Nhà Trắng.

Ví dụ, hôm 7/7, Biden viết trên Twitter: “Vào ngày đầu tiên trên cương vụ Tổng thống, tôi sẽ đưa nước Mỹ trở lại WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”. Một tuần sau đó, ngày 14/7, ông Biden khẳng định: “Nếu tôi thắng cử, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tôi sẽ điện đàm với các đồng minh NATO và khẳng định Mỹ đã trở lại, họ có thể tin tưởng vào Mỹ thêm một lần nữa”.

Những cam kết của Biden không dừng lại ở đó. Ông còn tuyên bố sẽ lập tức loại bỏ chính sách cắt giảm thuế mà Tổng thống Trump thông qua vào năm 2017, điều mà theo ông chỉ mang đến lợi ích cho tầng lớp giàu có và các tập đoàn lớn mà thôi. “Tôi sẽ tăng gấp đôi mức thuế đó ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức”.

Vị Tân Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ lập tức trở lại Hiệp định khí hậu Paris, thậm chí với tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn. “Điều đầu tiên tôi sẽ làm với tư cách Tổng thống Mỹ là kêu gọi một hội nghị các quốc gia tham gia hiệp định khí hậu Paris ngay tại Thủ đô Washington. Ông Biden còn nhắc tới một lộ trình chấm dứt tình trạng vô gia cư cho người Mỹ thông qua chính sách chỉ đạo Bộ phát triển nhà ở đô thị.

Nhìn chung, nếu lập một danh sách những việc ông Biden hứa sẽ thực hiện ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, thì chỉ riêng cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh tế đã chiếm trọn phần lớn. Giờ đây, khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Tân Tổng thống Mỹ sẽ làm được những gì trong danh sách dài những điều mà ông cam kết?

Đảo ngược chính sách giảm thuế của Trump

Trái với động thái giảm thuế doanh nghiệp dưới thời Trump, ông Biden muốn đảo ngược chính sách này bằng việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% hiện nay lên tới 28%. “Tôi sẽ thay đổi mức thuế doanh nghiệp trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống. Khi tôi làm thế, ngân sách Mỹ sẽ tăng lên 1.300 tỷ USD”, ông Biden nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 9.

Ông Biden cũng dự định tăng thuế thu nhập cá nhân từ 37% lên mức 39,6% cùng hàng loạt thay đổi thuế khác như đánh thuế tối thiểu 15% thu nhập sổ sách các đại công ty, đánh thuế an sinh xã hội với cá nhân có thu nhập trên 400.000 USD mỗi năm…

Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: làm gì trong ngày đầu tiên tiến vào Nhà Trắng? - Ảnh 2.

Ông Joe Biden cam kết sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách giảm thuế dưới thời chính quyền Trump

Dự kiến các động thái tăng thuế của Biden có thể giúp nguồn thu ngân sách Mỹ có thêm 4.000 tỷ USD từ năm 2021-2030, theo tính toán của Trung tâm chính sách Thuế. Đáng nói, mức thuế này đánh chủ yếu vào các hộ gia đình có thu nhập cao, qua đó ông Biden kỳ vọng sẽ làm giảm chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp xã hội Mỹ. Cụ thể, Trung tâm chính sách Thuế ước tính việc đánh thuế thu nhập cao sẽ dẫn tới mức tăng thuế bình quân 300.000 USD/ năm với top 1% hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ và chỉ 260 USD/ năm với những hộ gia đình trung lưu.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Penn Wharton Budget Model (PWBM) cho thấy kế hoạch tăng thuế của Biden thực tế ít tác động đến nền kinh tế Mỹ tổng thể. Trong trung hạn, mức tăng thuế có thể đưa GDP Mỹ giảm 0,1% vào năm 2030. Còn trong dài hạn, vào năm 2050, GDP Mỹ có thể nhích lên khoảng 0,1% nhờ chính sách này, theo dữ liệu tính toán cập nhật mới nhất.

Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: Quan hệ với Trung Quốc ra sao?

Tờ tạp chí tài chính - kinh tế hàng đầu Châu Á Asian Nikkei nhận định việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ mang đến cho Bắc Kinh một cơ hội quý giá để ổn định mối quan hệ song phương Mỹ - Trung từ góc độ toàn cầu.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ đảo ngược hoàn toàn một số chính sách dưới thời Trump liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, kiểm soát đại dịch Covid-19, thương mại quốc tế và chính sách tài khóa. Những diễn biến mới này có thể tạo ra nhiều điểm chung đáng kể giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Thêm vào đó, từ góc độ chính sách tài khóa, Trung Quốc và nước Mỹ dưới thời Tân Tổng thống Biden có thể tìm thấy điểm chung vững chắc trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro đáng kể về khủng hoảng tài chính - hệ quả của chính sách nới lỏng định lượng chưa từng có của các ngân hàng Trung Ương khắp thế giới. Một cuộc khủng hoảng tài chính hậu đại dịch chắc chắn sẽ là thảm họa với cả Trung Quốc - quốc gia thương mại lớn nhất thế giới và Mỹ - nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ: làm gì trong ngày đầu tiên tiến vào Nhà Trắng? - Ảnh 3.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ đảo ngược hoàn toàn một số chính sách dưới thời TT Trump liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, kiểm soát đại dịch Covid-19, thương mại quốc tế và chính sách tài khóa

Chính sách tiền lương, lao động đối lập với Trump

Trong khi Trump chủ trương để các bang tự cân đối tiền lương tối thiểu, ông Biden muốn nâng mức lương tối thiểu toàn quốc lên 15 USD/ giờ. “Bất kỳ con số nào dưới mức 15 USD/ giờ lao động đều sẽ đưa người Mỹ xuống mức nghèo khổ” - ông Biden nhấn mạnh, đồng thời phủ nhận lời chỉ trích của Trump rằng chính sách tăng lương như vậy sẽ khiến doanh nghiệp phá sản.

Các nhà kinh tế hiện vẫn tranh cãi xoay quanh vấn đề liệu chính sách tiền lương tối thiểu của Biden có gây ra tác động tiêu cực cho hoạt động doanh nghiệp Mỹ hay không.

Bên cạnh vấn đề tiền lương, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tham vọng tạo ra “hàng triệu việc làm” cho tầng lớp trung lưu thông qua hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường… Đảng Dân chủ từng công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô khoảng 1.300 tỷ USD, trong đó bao gồm 400 tỷ USD cho chương trình R&D về năng lượng sạch, 100 tỷ USD đầu tư vào trường học, 50 tỷ USD nâng cấp hệ thống giao thông, 20 tỷ USD hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn… Theo ông Biden, kế hoạch này không chỉ giúp tăng cường việc làm trong nền kinh tế Mỹ mà còn tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của nước Mỹ. 

Chỉ riêng có hai điều mà chủ trương của Biden đồng thuận với Trump, đó là lời kêu gọi Made in America (Sản xuất tại Mỹ) nhằm đưa các nhà máy trở lại Mỹ, qua đó tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện thị trường lao động Mỹ vốn đang lao đao sau cuộc khủng hoảng đại dịch. Điều thứ hai, Tân Tổng thống Mỹ đồng thời khẳng định sẽ đưa chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng như trang thiết bị y tế, dược phẩm trở lại Mỹ để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng và phải phụ thuộc vào Trung Quốc như thời điểm đầu đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyển sang ưu tiên tầng lớp trung lưu 

Ngay từ khi chưa đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã phê phán nhiều chính sách kinh tế dưới thời Trump vì cho rằng nó tập trung chủ yếu vào việc làm giàu cho tầng lớp thượng lưu và đại doanh nghiệp. Ông Biden chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu phát triển  mới là điều đóng vai trò quan trọng hàng đầu cho sự ổn định và thịnh vượng của nước Mỹ.

Một nghiên cứu của Pew Research đã chỉ ra rằng có tới 52% người Mỹ trưởng thành xuất thân từ các hộ gia đình trung lưu, số liệu tính đến năm 2016. 

Đánh giá tổng quan

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nhận định những chính sách kinh tế của ông Biden về cơ bản là sẽ tạo ra tác động lớn và tích cực cho thị trường lao động Mỹ vốn đang lao đao sau cuộc khủng hoảng đại dịch. Nhưng không phải ai cũng đồng tình về hiệu ứng tích cực tiềm năng mà chương trình nghị sự kinh tế của Biden có thể đem lại.

Một nghiên cứu tập thể được công bố bởi nhóm chuyên gia  Casey Mulligan - giáo sư Đại học Chicago, người từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng; Kevin Hassett, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, hiện công tác tại trường Đại học Stanford cùng hai chuyên gia kinh tế Timothy Fitzgerald và Cody Kallen đã chỉ ra những tác động tiêu cực tiềm tàng của các biện pháp tăng thuế, tăng lương cơ bản, thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nâng cao… Nhóm chuyên gia này cho rằng chính sách kinh tế của Biden có thể dẫn tới việc thị trường lao động Mỹ mất hơn 4,9 triệu việc làm và làm giảm ít nhất 8% GDP quốc gia trong thập kỷ tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem