Ngày mai sẽ chính thức khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 29/09/2020 21:48 PM (GMT+7)
Ngày mai (30/9), dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối liền 2 tỉnh Bình Thuận - Đồng Nai sẽ chính thức được khởi công.
Bình luận 0

Đây là dự án thành phần quan trọng của dự án đường cao tốc Bắc-Nam cửa ngõ phía đông. Tuyến cao tốc này có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1 khoảng 2,6 km) của tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).

Ngày mai sẽ chính thức khởi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết  - Ảnh 1.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề phát triển kinh tế.

Dự án có chiều dài toàn tuyến cao tốc khoảng 99 km, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5 km đi qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh. Đồng Nai phải thu hồi khoảng 412ha đất trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh.

Theo ông Nguyễn Công Hợp - Phó trưởng Phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), dự kiến thời gian hoàn thành thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là 24 tháng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.356 tỷ đồng, quy hoạch 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.

Ngày mai sẽ chính thức khởi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết  - Ảnh 2.

Các phương tiện phục vụ công tác khởi công cao tốc.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện thi công ngay và thi công liên tục sau khi khởi công, do đó chủ đầu tư đề nghị địa phương thực hiện bàn giao một lần toàn bộ mặt bằng sạch. Chính vì vậy, để đảm bảo tiến độ, các cơ quan chức năng và các địa phương cũng đã "chạy đua" để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 1 phần trong dự án cao tốc Bắc Nam trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Tuyến cao tốc Bắc-Nam qua Bình Thuận đóng vai trò kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, dự án này sẽ góp phần tạo đòn bẩy cho Bình Thuận phát triển kinh tế – xã hội và du lịch.

Sau khi chính thức đi vào vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bình Thuận trung bình chỉ từ 1,5 - 2 giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem