Ngày mới trên những “vành đai lửa”, hố bom, vùng sình lầy biến thành trại bò, trại cá, trồng rau

Trần Đáng Thứ hai, ngày 07/09/2020 05:01 AM (GMT+7)
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nếu cửa ngõ phía TP.HCM có “vành đai lửa” Láng Le-Bàu Cò (Bình Chánh), thì phía Bắc có “địa đạo Củ Chi” (Củ Chi). Hiện nay, trong giai đoạn thành phố làm nông thôn mới (NTM), những vùng đất gian khó ấy đã từng bước chuyển mình, hòa cùng nhịp bước phát triển của thành phố.
Bình luận 0

Theo UBND xã Tân Nhựt (Bình Chánh), sau chiến tranh, do bom đạn tàn phá và ảnh hưởng của đặc điểm địa lý là vùng trũng, sình lầy, nhiễm mặn, xã là địa phương xa xôi, hẻo lánh của thành phố, với cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông vỡ nát.

Ngày mới…

Năm 2010, Tân Nhựt là 1 trong 6 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của TP.HCM, giai đoạn 2010 - 2015. Xác định mục tiêu cao nhất của xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống nhân dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân đồng lòng, kinh phí được huy động từ nhiều nguồn, diện mạo nông thôn vùng căn cứ xưa đã đổi thay nhanh chóng.

Anh Nguyễn Văn Nhung- người dân sinh ra và lớn lên tại xã Tân Nhựt thổ lộ, chưa bao giờ anh thấy sự thay đổi nhanh, mạnh của xã như lúc này. "Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã thay đổi chóng mặt. Hầu hết đường giao thông nông thôn ở xã đã được nhựa hóa" - anh chia sẻ.

Trong 10 năm làm NTM, người dân trong xã Tân Nhựt đã hiến hơn 100.000m2 đất để mở đường và xây dựng các công trình. Nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang các mô hình nuôi cá cảnh, trồng rau an toàn phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị của thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Nhựt đạt hơn 63 triệu đồng/năm (năm 2010 là 12 triệu đồng/người).

Ngày mới trên những “vành đai lửa”  - Ảnh 1.

Một tuyến đường giao thông ở “vành đai lửa” Tân Nhựt được bê tông hóa. Ảnh: T.T.Đ

Bà Phan Thị Mỹ Khuyên - Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt (Bình Chánh) cho biết, hiện nay, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở Tân Nhựt, việc xây dựng NTM đòi hỏi phải có những bước chuyển phù hợp, như: Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, theo hướng nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học…

Tại đất thép Củ Chi, xã Thái Mỹ đang vươn lên như một xã NTM điển hình với môi trường, cảnh quan và thu nhập luôn dẫn đầu 56 xã của thành phố. 

Theo Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương, sau 10 năm làm NTM, đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa và bê tông hóa 100%.

"Mỗi năm, xã vận động người dân trồng 5.000 cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường, tuyến kênh để tạo mảng xanh và tuyến đường kiểu mẫu" - bà Sương thông tin. Hiện, thu nhập bình quân của người dân tại đây đã vượt 63 triệu đồng/năm.

Những khu nông nghiệp công nghệ cao phục vụ ngành trồng trọt cũng đã được hình thành tại xã Phạm Văn Cội với nhiều mô hình sản xuất như trồng nấm và chế biến nấm, tạo giống lan… tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, hộ nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận để tìm hiểu, học tập ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện nhiều tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng lan, nuôi cá kiểng, nuôi lợn, nuôi bò sữa.

Theo anh Nguyễn Hồng Nhật - chủ trang trại bò sữa, sau ngày giải phóng, vùng đất Củ Chi trở nên hoang tàn, nhưng càng khó khăn người dân nơi đây càng kiên cường mạnh mẽ hơn.

"Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 80 con bò sữa, thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/ngày. Nhiều gia đình nuôi bò sữa ở đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu" - anh bộc bạch

Chung sức xây dựng "vành đai lửa" năm xưa

Theo UBND huyện Bình Chánh, 10 năm xây dựng NTM (2010 - 2020), bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình, đầy ý nghĩa nhân văn của các đơn vị chung sức của thành phố, huyện Bình Chánh đã phát động trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến xã, nhân dân, doanh nghiệp cùng chung sức xây dựng NTM, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, phong trào chung sức xây dựng NTM đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện cùng tham gia... góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của huyện, xã quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện sẽ được công nhận là huyện NTM.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, sau những năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi tự hào trước nhiều đổi thay phát triển của quê hương địa đạo.

Hiện Củ Chi có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Củ Chi đã được công nhận là huyện NTM đầu tiên của TP.HCM. Trong suốt thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân luôn sát cánh vượt qua mọi khó khăn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương đổi mới, ổn định và phát triển. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem