Ngày Tết nói chuyện "miếng giữa làng"

Thứ năm, ngày 30/01/2014 07:46 AM (GMT+7)
Các cụ ta xưa có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Thời @, giới trẻ lại có câu: “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”!
Bình luận 0

Thế mới hay, cái đồng tiền thưởng nó có giá trị biết bao nhiêu(?!). Đơn giản, là tiền nhưng nó còn hơn cả tiền! Vì sao? Vì, như các cụ ngày xưa, “miếng giữa làng” chính là cái danh, là sự ghi nhận của cộng đồng với vai trò đóng góp của người đó. Mà “danh” thì bao giờ chả hơn “thực”! Khi khó khăn, người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn (miếng giữa làng - “thực”). Thế nhưng, với các cụ ta, cái miếng ăn đó cũng phải trang trọng, phải đàng hoàng thì mới xứng, chứ không phải là ăn rất nhiều miếng nhưng là ngay… xó bếp! Đến hiện đại, giới trẻ cũng không coi đồng tiền đơn thuần chỉ là đồng tiền, khi họ so sánh “trăm đồng tiền công” với “một đồng tiền thưởng”. Xem ra đó cũng là cái danh vậy!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng bởi là cái danh nên mới nói rằng, đồng tiền thưởng Tết bây giờ nó quý hóa quá! Nó quý hóa bởi thời buổi khó khăn, thêm được đồng nào hay đồng đó. Đó là quan niệm chung của tất cả mọi người làm công ăn lương, cả Nhà nước lẫn tư nhân. Thế nên người ta mới có quan niệm như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng dẫn rằng: “Đói quanh năm, no ba ngày Tết”. Đồng tiền thưởng Tết trước hết là cơm áo của người lao động! Nhưng, cũng như cổ nhân, người ta còn coi đồng thưởng Tết cao hơn một bậc, khi đó là niềm vui! Vui không chỉ vì được tiền mà vui là vì được ghi nhận! Vui là bởi, đây là sự đánh giá của cấp trên, của lãnh đạo, của chủ doanh nghiệp với sự đóng góp của mình cho sự phát triển chung cộng đồng. “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng là thế”! Danh khác thực là vậy!

Truyền thống ngàn năm như thế! Song bây giờ ngẫm lại mới thấy có vui nhưng vẫn buồn! Có vui là sao? Là bởi rằng, rất nhiều lãnh đạo, rất nhiều chủ doanh nghiệp dẫu ăn nên làm ra hay khó khăn túng quẫn đều cố dành một khoản tiền nhỏ để cuối năm “thưởng” cho người lao động coi như là một món quà Tết đến, tôi có chút quà tặng anh và gia đình coi như một lời cảm ơn! Đó là cái đạo nghĩa của người phương Đông ta vậy. Thế nhưng vẫn buồn. Buồn là bởi, cũng là người phương Đông, nhưng rất nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều cán bộ lãnh đạo lại quá hời hợt với món quà tinh thần này! Người ta, hoặc vì khó khăn, hoặc vì vô tâm đã “quên” mất món quà Tết của người lao động!

Còn nữa, người ta hoặc vì coi nhẹ, hoặc vì lo hầu bao chính mình, để đến mức cái món quà tinh thần của người lao động cũng quá hẻo. Ai đời, có những người được thưởng Tết tới cả tỷ đồng (chủ ngân hàng, các CEO tập đoàn lớn…), có người chỉ là 50 - 100 ngàn đồng? Ai đời có người được cả căn nhà, có người chỉ là chai dầu ăn, lọ nước mắm! Ai đời, một “thành phố đáng sống” như Đà Nẵng, có người được những 172 triệu đồng tiền thưởng Tết Giáp Ngọ này, nhưng cũng có người chỉ được 100.000 đồng, chênh lệch 1.720 lần!

Đã đành thưởng Tết là ghi nhận sự đóng góp, ghi nhận công lao, là quà tinh thần. Nhưng, nếu tinh thần “hẻo” thử hỏi vật chất của năm mới có khá được không? Mà mọi con người, cũng là mọi lao động, yếu tố tinh thần quyết định sự thành bại của công việc. Vậy nên, năm mới nói chuyện thưởng Tết cũng là mong mọi ông chủ Á Đông nên xem lại mình”! Bởi, cũng như các cụ đúc kết: “Có thực mới thực được đạo”.

Gia đình và Xã hội (Theo Gia đình và Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem