Nghệ An: Bánh cà là thứ bánh gì mà những nông dân ở xã Hưng Tân càng Tết càng bận làm nhiều?

Quân Thỏa Dung Thứ ba, ngày 26/01/2021 13:54 PM (GMT+7)
Tết Nguyên đán 2021 đang tới gần, nhiều hộ dân sống tại làng nghề bánh cà tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đang tất bật sản xuất để kịp thời cung ứng cho thị trường.
Bình luận 0

Làng nghề vào xuân

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, người dân làng nghề bánh cà Hưng Tân (Hưng Nguyên, Nghệ An) tấp nập, rộn rã sản xuất bánh cà phục vụ Tết. Cả gia đình cùng quây quần làm bánh cà trong không khí ấm cúng, từ đầu làng đến cuối ngõ đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm đặc sản quê hương.

Theo người dân địa phương, làm bánh cà là nghề truyền thống lâu đời của người dân xã Hưng Tân. Cái tên gọi của bánh cà được truyền từ xa xưa do ông cha truyền lại. Gọi là bánh cà vì bánh nhỏ như quả cà mà có vị đặc trưng khác với nhiều loại bánh khác.

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 1.

Chị Đinh Thị Lý ở Làng Nam, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) tự hào với sản phẩm bánh cà truyền thống của làng nghề. Ảnh: PV

Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình trong xã làm để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay toàn xã có 64 hộ thường xuyên làm bánh, cho thu nhập bình quân từ bánh cà từ 64-66 triệu đồng /người/năm.

Bánh cà được tạo nên từ 3 nguyên liệu chính đó là: bột nếp, trứng gà và đường cát trắng... Bột nếp được xay nhuyễn từ những hạt nếp được trồng trên mảnh đất quê hương Hưng Tân được nhồi kỹ với trứng gà ta sau đó đem vo thành những viên bánh nhỏ có đường kính gần 1cm. Sau đó rán qua bằng dầu thực vật và ngào bằng đường cát trắng.

Làng nghề bánh cà Hưng Tân, Hưng Nguyên (Nghệ An) bận rộn sản xuất bánh cà phục vụ nhu cầu Tết.

Bánh cà thành phẩm có màu vàng tươi, hương vị thơm ngon, giòn, hương vị đậm là kết quả của việc việc nhồi bột kỹ và rán đều tay. Bánh có vị ngọt của đường, thơm của gừng tươi nên rất phù hợp với thị hiếu của người dùng. Bánh cà được người dân nhập cho thương lái với giá từ 100.000 -120.000đồng/kg.

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 3.

Máy móc giúp công việc sản xuất bánh cà đơn giản hơn, sản phẩm đồng đều, đạt chất lượng tốt. Ảnh: PV

Chị Đinh Thị Lý ở Làng Nam, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), chia sẻ: "Công thức để có được một mẻ bánh cà ngon là cứ 1 kg bột nếp thì được nhồi chung với 13 quả trứng gà, và được ngào bởi 1kg đường cát trắng. Bột phải được nhồi kỹ, đều tay để bánh lúc rán được xốp, giòn. Bánh được rán từ dầu thực vật, đảo đều tay đến lúc bánh có màu vàng tươi là được. Mẻ bánh 1kg rán khoảng 20 phút là hoàn thành".

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 4.

Công đoạn đóng gói bánh cà hết sức cẩn thận. Ảnh: PV

"Trước đây bánh cà chỉ được làm vào các dịp lễ tết và làm quà biếu khách phương xa, nhưng bây giờ thì chúng tôi xem đó là công việc kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn. Gia đình chúng tôi làm bánh cà quanh năm, nhưng chính vụ nhất là dịp Tết Nguyên Đán. Những ngày này gia đình chúng tôi phải tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày làm được từ 25-30kg/ngày nhưng cũng không đủ bán", bà lý nói thêm.

Ứng dụng công nghệ, giữ lấy làng nghề

Không chỉ phục vụ trong các dịp lễ tết, hoạt động của địa phương mà giờ đây bánh cà trở thành đặc sản, được khách hàng mọi nơi ưa chuộng, tin dùng nên người dân làm bánh cà xã Hưng Tân ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm giúp thương hiệu bánh cà Hưng Tân đứng vững hơn trong lòng người tiêu dùng.

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 5.

Người làng nghề bánh cà Hưng Nguyên, Nghệ An áp dụng công nghệ để đạt năng suất cao. Ảnh: PV

Để giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, người dân làng nghề đã ứng dụng máy móc thay thế những công đoạn nặng nhọc của con người.

Anh Phan Xuân Nhuy ở Làng Nam, xã Hưng Tân, cho hay: "Gia đình chúng tôi làm bánh cà quanh năm, nhưng thời kỳ cao điểm nhất từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Các năm trước để làm bánh cà phục vụ nhu cầu tết như thế này phải cần đến 5 lao động nhưng năng suất vẫn không cao. Bây giờ có máy móc hỗ trợ, 2 vợ chồng tôi làm được hơn 30kg bánh cà/ngày".

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 6.

Bánh cà tráng đường phải nhỏ lửa để giữ được bánh giòn, hương vị thơm dịu ngọt. Ảnh: PV

 "Máy móc đã hỗ trợ các công đoạn nặng nhọc, tốn thời gian của việc làm bánh cà như: Nhồi bánh, chia bánh và nặn (vo) thành các viên bánh cà tròn, đều và đẹp. Công đoạn này trước đây thường chỉ để những người có tay nghề tốt làm giúp tạo ra viên bánh cà đều và đẹp như nhau. Nhưng bây giờ có máy móc hỗ trợ ai cũng có thể làm được"- anh Nhuy chia sẻ thêm.

Mỗi năm làng nghề bánh cà xã Hưng Tân xuất ra thị trường hàng trăm tấn bánh cà. Bánh cà không chỉ được người trong tỉnh tin dùng mà còn lan rộng ra các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hà Nội và Sài Gòn…. từ việc phát triển các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Làng nghề bánh cà nổi tiếng xứ Nghệ, tất bật vào vụ Tết - Ảnh 7.

Công đoạn cuối cùng là đóng gói để đưa ra thị trường. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Phan Thị Thuận - Chủ tịch MTTQ xã Hưng Tân, cho biết: "Những năm gần đây, quy mô sản xuất bánh cà của người dân đã lớn hơn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhất là sau khi xây dựng thành công làng nghề thì lượng bánh tiêu thụ lại càng lớn. Nghề bánh cà mang lại thu nguồn thu nhập ổn định cho bà con địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo.

Năm 2021, tập trung xây dựng xây dựng tổ hợp tác bánh cà Hưng Tân và phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP 3 sao giúp quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho người dân và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của bánh cà".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem